Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 chính thức học chương trình Giáo dục phổ thông mới - chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của người học.
Theo Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2022), việc tổ chức giảng dạy phải bảo đảm thực hiện đầy đủ yêu cầu về khối lượng kiến thức của môn học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi kết thúc môn học.
Giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với khối lượng kiến thức của các môn học để tổ chức giảng dạy các môn học theo ngành, nghề đào tạo.
Đáng chú ý, cũng theo Thông tư này, học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử; các môn học lựa chọn, gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí.
Thời lượng giảng dạy của các môn học như sau: Toán, Ngữ văn: 252 tiết/môn học; Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử: 168 tiết/môn học.
Mỗi ngành, nghề đào tạo phải học các môn học bắt buộc và ít nhất 1 môn học lựa chọn. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo.
Mỗi môn học được giảng dạy trong 3 kì. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định việc phân chia các kì và xây dựng kế hoạch giảng dạy bảo đảm thực hiện đầy đủ khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng giảng dạy của môn học.
Để được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo ngành, nghề người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy cấp, học sinh phải có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 05 điểm trở lên.
Bạch Hiền (t/h)