(ĐSPL) – Để quản lý hoạt động thương mại biên giới, Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân.
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.
Đối tượng áp dụng Thông tư này gồm thương nhân Việt Nam; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg.
Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này và được thực hiện theo các quy định hiện hành về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu.
Hoạt động kinh doanh qua biên giới đã được Bộ Công thương quy định. |
Để được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã theo quy định gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Công Thương tỉnh biên giới nơi có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
Hồ sơ gồm: Đơn đăng ký hoạt động mua bán hàng hoá qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này: 01 (một) bản chính; Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hợp tác xã: 01 (một) bản sao, có xác nhận đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
Trong thời hạn 04 (bốn) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh biên giới danh sách thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị của Sở Công Thương, Uỷ ban nhân dân tỉnh biên giới công bố danh sách thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
Trường hợp từ chối lựa chọn thương nhân, Uỷ ban nhân dân tỉnh biên giới trả lời thương nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do. Uỷ ban nhân dân tỉnh biên giới thông báo danh sách thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi danh sách đến Bộ Công Thương.
Định kỳ hàng quý, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới kiểm tra, rà soát tình hình tuân thủ quy định pháp luật của thương nhân để điều chỉnh, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách thương nhân vi phạm các quy định trong hoạt động mua bán hàng hoá qua biên giới; tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương.
Ngoài ra, Thông tư nêu rõ quy định về hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới phải đáp ứng quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Đối với cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu, chỉ cho phép nhập khẩu hàng hoá là nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong nước theo Danh mục hàng hoá quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Nếu hàng hóa không nằm trong Danh mục trên cần xin ý kiến từ Bộ Công thương.
Trong trường hợp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới bị ùn tắc do quá tải hoặc ách tắc, Uỷ ban nhân dân tỉnh biên giới điều hành, áp dụng các biện pháp để thực hiện ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các mặt hàng nông sản mau hỏng và các hàng hoá xuất khẩu khác; hoặc Điều tiết hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu.