+Aa-
    Zalo

    Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủy lợi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong phiên họp toàn thể tại hội trường diễn ra sáng 8/6, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy lợi và thảo luận về một số nội dung...

    Trong phiên họp toàn thể tại hội trường diễn ra sáng 8/6, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy lợi và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

    Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thủy lợi. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ và tại hội trường về dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật), đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH.

    Các ĐBQH góp ý vào dự thảo Luật Thủy sản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Ngày 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 14/3, dự thảo Luật đã gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

    Dự án Luật Thủy lợi trình ra Quốc hội lần này được xây dựng với bố cục gồm 10 chương, 63 điều.

    Dự án Luật có phạm vi điều chỉnh là quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác và vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi.

    Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi trên lãnh thổ Việt Nam.

    Các quy định liên quan đến quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ công trình thuỷ lợi; trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy lợi… là những nội dung lớn mà các ĐBQH tập trung thảo luận.

    Công tác quy hoạch, phát triển thủy lợi phải có có tính dài hơi

    Đề cập đến nội dung về quy hoạch thủy lợi, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần xem xét, quy định về quy hoạch thủy lợi cho thống nhất với dự thảo Luật Quy hoạch mà Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp này. Đồng thời cho rằng, công tác quy hoạch, phát triển thủy lợi phải có tầm nhìn chiến lược, có tính dài hơi.

    “Tôi cho rằng, để góp phần bảo đảm cho sự phát triển biển vững, chiến lược phát triển thủy lợi nhất thiết phải có tính dài hơi. Trong dự thảo quy định chiến lược phát triển thủy lợi chỉ trong 10 năm là quá ngắn. Theo tôi ít nhất cũng phải từ 20 năm trở lên”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nêu quan điểm.

    Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Ông Thành cũng đề nghị, trong chiến lược phát triển thủy lợi nên có các quy định khuyến khích mạnh mẽ việc đa dạng hóa các loại hình đầu tư. Phải chuyển các hoạt động thủy lợi từ cơ chế phí sang cơ chế giá, bảo đảm các hoạt động thủy lợi tiến dần tới cơ chế thị trường.

    Cùng quan điểm trên, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị cần nghiên cứu chỉnh sửa quy định về đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đưa ra cơ chế, chính sách đầu tư để toàn xã hội thực hiện nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xã hội hóa trong hoạt động phát triển thủy lợi.

    Còn đại biểu Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) cho rằng, công trình thủy lợi là công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và nhiều ngành kinh tế khác, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc đầu tư phát triển thủy lợi vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Trong chiến lược phát triển thủy lợi phải căn cứ vào các kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm các công trình thủy lợi phải có tính đa dụng, phát huy tối đa hiệu quả.

    Về quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nhiều ĐBQH tán thành quy định về giao trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn được đầu tư từ ngân sách Nhà nước hoặc nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước cho UBND cấp tỉnh quản lý hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quản lý, tùy theo điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định phân cấp quản lý tới UBND cấp huyện, cấp xã để tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có công trình thủy lợi

    Về một số vấn đề cụ thể, liên quan đến Điều 7 “Khoa học và công nghệ trong hoạt động thủy lợi” tại mục 4 có quy định “Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ hoạt động thủy lợi”, đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, với nền sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, sản xuất còn manh mún, nên chăng chỉ nên quy định ở việc khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến.

    Tại Điều 5, về “Chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy lợi”, bên cạnh việc quy định “Ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”, đại biểu Nguyễn Thị Vân (Yên Bái) đề nghị cần có quy định dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng đối với các công trình thủy lợi đang vận hành, phát huy hiệu quả cao nhưng do thời gian sử dụng đã bị xuống cấp, cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp để các công trình này tiếp tục phát huy hiệu quả.

    Về vận hành các công trình thủy lợi trong dự án Luật, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, quy định trong Luật còn chung chung và chủ yếu là thủy lợi để phục vụ cây trồng, sản xuất nông nghiệp, mà chưa đề cập đến các mục tiêu khác. Trong khi đó, trên thực tế thì các hồ đập thủy lợi, ngoài phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, còn phục vụ rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.

    Đề cập đến thẩm quyền quyết định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, nhiều ý kiến tán thành quy định về thẩm quyền quyết định giá đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Bộ Tài chính quy định. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nên giao cho UBND cấp tỉnh quyết định sau khi được HĐND cùng cấp thông qua.

    Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy lợi (Chương IX), nhiều ý kiến của ĐBQH đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, nhất là của Bộ NN&PTNT, TN&MT, Quốc phòng, Tài chính, tránh một việc giao 2 bộ cùng thực hiện.

    Tại Điều 58 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung; đề xuất bổ sung thêm Bộ KH&ĐT vì liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-thuy-loi-a192711.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan