+Aa-
    Zalo

    Quảng Ninh: Chưa hoàn hồn do lũ tàn phá, lại lo dịch bệnh tấn công

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Chưa kịp hoàn hồn sau cơn lũ lịch sử tràn vào Quảng Ninh thì nay người dân nơi đây lại đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh tấn công.

    (ĐSPL)- Chưa kịp hoàn hồn sau cơn lũ lịch sử tràn vào Quảng Ninh thì nay người dân nơi đây lại đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh tấn công. 

    Tin tức từ Vietnamnet, sau cơn lũ lịch sử, hàng loạt bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, sốt rét... đang có nguy cơ bùng phát thành dịch tại Quảng Ninh.

    Trước tình hình mưa lũ tại Quảng Ninh kéo dài, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có công điện khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, đề nghị ngành y tế tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, sau những ngày mưa lũ.

    Bùn, đất do trận lũ lịch sử để lại, người dân Quảng Ninh gồng mình nạo vét.

    Nhận định về nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ tại Quảng Ninh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, nguy cơ lớn nhất hiện nay là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn và bệnh đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp. Nếu nguồn nước, môi trường không được xử lý, mầm bệnh từ các vùng nước ngập đọng, từ xác động vật thối rữa sẽ lây lan.

    Thực tế đã chứng minh, ở các vùng sau mưa, lũ, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ bùng phát thành dịch.

    Trước tình hình trên, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, ngành y tế tỉnh này đang dốc toàn lực để phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

    Ông Tuấn cho hay, hiện Hạ Long và Cẩm Phả là 2 địa phương có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nhất do ngập lụt lâu ngày trên diện rộng, một số nơi vẫn chưa có nước sạch. Tuy nhiên đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm hay mắc bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

    Để tập trung phòng chống dịch, trước mắt ngành y tế địa phương tập trung xử lý nguồn nước, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, nhưng do diện tích quá lớn, mỗi phường đến 700-800 hộ nên việc huy động nhân lực gặp nhiều khó khăn.

    "Hiện Sở Y tế đã phải điều chuyển cán bộ từ trên xuống các trung tâm quận, phường để hỗ trợ, lực lượng thanh niên tình nguyện tại chỗ cũng được huy động triển khai phòng chống dịch. Chúng tôi yêu cầu cán bộ y tế phải trực tiếp xuống từng hộ dân để hướng dẫn khử khuẩn nguồn nước, bảo quản thực phẩm an toàn đảm bảo không xảy ra dịch bệnh", ông Tuấn thông tin.

    Theo ông Tuấn, đến nay Quảng Ninh đã cấp phát trên 5 tấn gloramin B, hơn 500.000 viên Aquatabs, 300l hóa chất cho 6 địa phương gồm: Cẩm Phả, Hạ Long, Ba Chẽ, Uông Bí và Hoành Bồ. Chỉ chờ nắng lên, công tác phun hóa chất diệt khuẩn sẽ đồng loạt được triển khai.

    "Ngoài xử lý môi trường, công tác giám sát cực kỳ quan trọng để kịp thời phát hiện các ổ dịch truyền nhiễm và dập tắt ngay", ông Tuấn nhấn mạnh.

    Để hỗ trợ Quảng Ninh, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác xuống tận nơi chỉ đạo kế hoạch phòng chống dịch, đồng thời cấp hàng loạt thuốc, phương tiện để giúp Quảng Ninh khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó có 40 cơ số thuốc, 1 triệu viên khử khuẩn Cloramin B, 200.000 viên Aquatabs; 40 bộ dụng cụ phòng chống lụt bão, 150 áo phao cứu sinh; 10 nhà bạt...

    Khuyến cáo phòng dịch bệnh sau mưa lũ

    Tin tức từ Vnexpress, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B, Aquatabs để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

    Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách khử trùng dòng nước bẩn do lũ để lại.

    Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

    Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

    Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

    Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

    Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời.

    UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết đợt mưa lũ lịch sử đã khiến toàn tỉnh thiệt hại 2.700 tỷ đồng, trong đó, ngành than tổn thất nặng nhất với 1.200 tỷ đồng, hoạt động sản xuất - kinh doanh gần như tê liệt.

    Theo báo cáo, trên 10.000 tấn than tại các kho của Vinacomin đã bị rửa trôi, toàn bộ khai trường tại các mỏ lộ thiên đều bị ngập.

    Các tuyến vận tải than đều bị hư hỏng, do tiếp tục có mưa lớn nên chưa khắc phục được để vận chuyển than cho các hộ tiêu thụ, đặc biệt là các nhà máy điện.

    Khoảng 30.000 công nhân của các đơn vị ngành than đang phải nghỉ làm. Tổng thiệt hại của Vinacomin đã tăng, ước tính lên đến khoảng 1.200 tỉ đồng.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]wXyN1nTQdd [/mecloud]

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quang-ninh-chua-hoan-hon-do-lu-tan-pha-lai-lo-dich-benh-tan-cong-a105148.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.