(ĐSPL) - Viên quan tri phủ muốn nịnh bợ cấp trên, muốn tặng mẹ quan tuần phủ món quà là cô gái hát rong, nên đã dùng quyền lực của một ông quan ép buộc cô gái hát rong làm văn tự bán mình.
Có hai cha con nhà nọ, gia cảnh khó khăn, kiếm sống bằng nghề hát rong. Một hôm, họ đang hát rong ngoài chợ thì mẹ già của quan tuần phủ trông thấy. Bà ta bảo cô gái hát rong rất giống nàng tiên trong bức tranh dân đào chúc thọ và muốn đưa cô về nhà để cầu may mắn. Chuyện đồn đến tai viên tri phủ. Tên quan này là kẻ nham hiểm, hay nịnh nọt cấp trên. Hắn đã ép buộc cô gái làm văn tự bán mình, định dùng cô gái làm quà mừng thọ mẫu thân quan tuần phủ.
Bất bình trước hành vi đê hèn của viên tri huyện, một học sỹ hay chữ nhận lời giúp bố con người hát rong. Đúng ngày mừng thọ mẫu thân quan tuần phủ, học sỹ đi vào nha môn, gặp nhiều quan lại, trong đó có viên tri huyện. Mọi người đề nghị học sỹ đề chữ vào tấm bình phong chúc thọ mẹ quan tuần phủ. Vị học sỹ đồng ý, kèm theo điều kiện viên tri phủ phải trả lại tờ văn tự bán mình của cô gái hát rong.
Trong khi viên tri phủ chưa đồng ý, vị học sỹ viết luôn lên tấm bình phong câu: “Thái lão phu nhân chẳng phải người”.
Mọi người đều tái mặt, còn viên tri phủ hoảng hồn. Ngừng giây lát, học sỹ viết câu thứ hai: “Cử thiên tiên nữ xuống trần chơi”.
Mọi người mới thở phào, chưa kịp khen hay, thì học sỹ viết luôn câu thứ ba: “Nuôi con chẳng dạy, con làm giặc”. Đám đông trợn mắt, há mồm như bị thôi miên.
Vị học sỹ quay ra, nói to với tri phủ: “Ông hãy hủy tờ văn tự kia đi. Nếu không ông mời người khác đến mà viết”.
Bị mọi người hối thúc, viên tri phủ mặt toát mồ hôi: “Xin hủy bỏ, xin hủy bỏ”. Lúc này, vị học sỹ mới cầm bút viết nốt câu cuối: “Lấy trộm đào tiên chúc thọ Người”. Mọi người vỗ tay khen ngợi học sỹ văn hay, chữ tốt.
Luật nay: Xử tội cưỡng đoạt tài sản
Viên quan tri phủ thực là kẻ lòng lang, dạ sói. Hắn muốn nịnh bợ cấp trên, muốn tặng mẹ quan tuần phủ (Thái phu nhân) món quà là cô gái hát rong, nên đã dùng quyền lực của một ông quan ép buộc cô gái hát rong làm văn tự bán mình. Như vậy, viên tri phủ không phải trả một đồng nào, mà cô gái vẫn thuộc về hắn. Còn số tiền ghi trong văn tự bán mình của cô gái hát rong chỉ là con số ảo (không có thật trên thực tế).
Dẫn chiếu Bộ luật Hình sự hiện hành, có thể xử viên tri phủ về tội cưỡng đoạt tài sản. Điều 135 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Trong vụ án này, tài sản mà viên tri phủ cưỡng đoạt của cô gái hát rong chính là số tiền ảo ghi trong tự văn tự bán mình. Hắn đã đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần làm cho cô gái hát rong phải viết tờ văn tự bán mình một cách khiên cưỡng, trái với ý muốn của bản thân. Trên thực tế, không có chuyện mua bán ở đây. Thế nhưng, với tờ văn tự bán mình, cô gái đã là người của viên tri phủ. Hành vi khách quan của tội phạm nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đã được thể hiện rõ nét.
Tùy vào số lượng tiền mua bán trong văn tự bán mình, mà cơ quan tiến hành tố tụng sẽ truy tố viên tri phủ theo điều khoản nhất định. Số tiền càng lớn, thì tội càng nặng. Với tội cưỡng đoạt tài sản, hình phạt tù cao nhất có thể lên đến hai mươi năm tù, khi thỏa mãn điều kiện: Giá trị tài sản chiếm đoạt từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.