+Aa-
    Zalo

    Quản lý khách sạn “ăn mày” cho người nghèo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ bỏ việc quản lý khách sạn gia đình, người đàn ông 36 tuổi dành toàn bộ thời gian để xin và sửa xe đạp cũ.

    Từ bỏ việc quản lý khách sạn gia đình, người đàn ông 36 tuổi dành toàn bộ thời gian để xin và sửa xe đạp cũ. Bắt đầu từ tháng 4/2020 đến nay, hơn 200 chiếc xe cũ qua bàn tay của anh trở nên mới tinh, 144 chiếc đã đến tay người nghèo ở hàng chục tỉnh, thành.

    Bỏ sản nghiệp đi sửa 200 xe đạp cũ tặng trẻ em nghèo

    Đang là quản lý khách sạn của gia đình tại thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), giờ đây anh Trần Quyết Thắng lại bận rộn với những chiếc xe đạp cũ được xin từ khắp mọi miền. Hằng ngày, tiếng máy cắt, máy đánh gỉ sét vang lên từ sáng sớm đến tối mịt trong xưởng của anh. Những thanh âm hối hả như thúc giục anh nhanh tay hơn với công việc ý nghĩa này.

    Sinh ra trong một gia đình khá giả, nhưng từ rất sớm, anh Thắng đã tâm niệm: “Mình có điều kiện hơn thì nên giúp đỡ người khác”. Nhìn những em bé mồ côi, những người nghèo khổ, tàn tật, anh không thể cầm lòng, luôn trăn trở phải làm điều gì đó để giúp đỡ.

    Anh Thắng cho biết, ý tưởng đến với anh một cách rất tự nhiên: “Dịch Covid- 19 khiến mọi thứ bị ngưng trệ, các phòng tập gym đều đóng cửa nên tôi thường đạp xe loanh quanh tập thể dục. Tôi thấy nhiều xe cũ bị bỏ rơi rất lãng phí, trong khi những người nghèo thậm chí còn không có xe đạp để đi. Vốn là một người thích phục chế đồ cũ nên tôi đã nảy ra ý tưởng “hồi sinh” xe đạp cũ để tặng người nghèo”.

    Anh Thắng tặng xe cho học sinh.

    Bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng, anh xin được 3 chiếc xe cũ và bắt đầu hành trình kéo dài “sự sống” cho chúng. Kết quả ban đầu chưa suôn sẻ ngay: 1 chiếc không đi được và 2 chiếc phải làm lại. Anh liền gõ cửa các tiệm sửa xe, xin được làm cùng thợ trong khoảng 1 tuần để học hỏi.

    Thời gian đầu làm với quy mô nhỏ, anh có thể tự xoay xở kinh phí, nhưng càng làm, anh càng muốn mở rộng, nên đã phải bán đồ đạc cá nhân và “liều mình” đi vay trả góp.

    Nhận thấy việc làm ý nghĩa, các thành viên trong câu lạc bộ xe đạp của anh và nhiều tình nguyện viên đã chủ động góp sức, chung tay thực hiện. Khi khối lượng công việc lớn, anh nghĩ đến việc bỏ tiền ra thuê người làm cùng.

    Anh Thắng bật mí: “Để “hồi sinh” một chiếc xe đạp như mới, đầu tiên, phải tháo rời toàn bộ chiếc xe, đánh giá tình trạng và thay thế những bộ phận không còn sử dụng được. Sau đó, tẩy gỉ sét, đánh bóng, phun sơn và lắp ráp. Chi tiết thì có tới 30 bước cần chuẩn bị và thực hiện từ khi đăng tin xin xe cũ đến khi giao xe đến tận tay người nghèo”.

    Người đàn ông 36 tuổi vẫn còn độc thân tiết lộ, anh không mấy bận tâm về vấn đề tiền bạc. “Tôi không chuẩn bị nhiều về mặt tiền bạc cho tương lai. Hiện tại, tôi vẫn sống cùng bố mẹ và chưa lập gia đình. Tôi học được lối sống tối giản của người Nhật nên việc chi tiêu cũng không quá phức tạp, chỉ cần đủ ăn đủ mặc là được”, anh cười chia sẻ.

    Sẵn sàng những khoản “cho vay không hoàn lại”

    Hiện nay, mô hình “hồi sinh” xe đạp của anh Trần Quyết Thắng đã xuất hiện trên 10 tỉnh, thành với tên gọi Rebike For Kids(R4K); có 10 điểm hoạt động xin và phục hồi xe cũ, hơn 40 nhóm trên cả nước hỗ trợ xin xe. Các nhóm R4K đều hoạt động độc lập, nhóm nào có khó khăn sẽ được anh và các nhóm khác hỗ trợ.

    Trong những chuyến tặng xe, khi thì anh kết hợp với các nhóm từ thiện khác, khi thì rong ruổi một mình với những chiếc xe tải chất đầy xe đạp và hàng hóa.

    Tặng xe cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

    Hành trình mang những chiếc xe đạp được “hồi sinh” đến với người nghèo đã khiến anh không ít lần phải rơi nước mắt. Quá nhiều câu chuyện được nghe, được chứng kiến trong mỗi chuyến đi. Không chỉ tặng xe đạp, anh còn sẵn sàng hỗ trợ thêm những khoản tài chính nho nhỏ cho những gia đình khó khăn.

    “Có một trường hợp bố mẹ ly dị, đứa nhỏ ở với mẹ, đứa lớn ở với bố. Người bố bị tai nạn năm 2016, những chiếc đinh vẫn còn nằm trong ống chân, có dấu hiệu hoại tử, nên sinh ra chán nản và tìm đến rượu. Mỗi khi say, ông ấy đánh đập đứa con mới học lớp 3. Nhưng điều lạ là dù bị bố đánh bao nhiêu thì đứa con vẫn yêu thương bố. Sau khi họp bàn, nhóm R4K chúng tôi cùng chính quyền địa phương quyên góp tiền hỗ trợ cho gia đình đưa người bố đi chữa trị. Đây là khoản “cho vay không hoàn lại” nếu anh ấy chịu thay đổi, bỏ rượu và không bạo hành con nữa”, giọng anh Thắng bỗng như nghẹn lại.

    Đôi khi, anh Thắng kể, anh cũng từng rơi nước mắt cảm động khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Ấn tượng nhất đối với anh có lẽ là một “người đồng hành” tại Hà Nội: “Tôi và anh bạn đó quen nhau khi tôi tình cờ hỏi mua dụng cụ sửa xe đạp tại gian hàng của anh ấy trên Shopee. Tháng Bảy, lần đầu tiên ra xin xe ở Hà Nội, tôi đăng lên Facebook tìm người đi cùng thì chỉ vài phút sau, anh ấy gọi cho tôi và lái xe ô tô chở tôi đi. Trong vòng 3 ngày, di chuyển 600km, chúng tôi xin được gần 200 chiếc xe. Có những hôm đi từ 7h sáng đến quá nửa đêm, sớm hôm sau lại rong ruổi tiếp, chuyến đi thực sự đáng nhớ. Ngày rời Hà Nội, anh tặng tôi 8 chiếc xe đạp mới tinh trong tiệm xe. Những ngày nắng nóng như đổ lửa ấy, có khi tôi phải rơi nước mắt trước tình cảm này”.

    “Nhìn những đứa cháu có xe đạp chở bà đi làm, chở trái cây đi bán, lấy xe làm công cụ mưu sinh, tôi bất giác mỉm cười khi thấy công việc mình làm có chút ý nghĩa”, đôi mắt anh Thắng sáng lên rạng rỡ.

    “Tháng Chín vừa rồi, tôi đã thực hiện một đợt giao xe lớn đến Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Gia Lai. Mục tiêu gần nhất của tôi chính là mang xe đạp tới được 2 nơi xa nhất, là địa đầu Tổ quốc Hà Giang và Đất mũi Cà Mau, làm được 1.000 chiếc xe trước tháng 6/2021”, anh bật mí.

    Thủy Tiên – Quang Trường
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (162)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-ly-khach-san-an-may-cho-nguoi-ngheo-a342032.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan