Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ, thậm chí còn có thể leo thang và chuyển thành Chiến tranh Lạnh toàn diện.
Chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ít bị ảnh hưởng bởi kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ngày 6/11/2018, Mỹ đã tổ chức cuộc bầu cử giữa kỳ, kết quả Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện, Đảng Cộng hòa củng cố quyền kiểm soát Thượng viện. Một vấn đề gây chú ý cho dư luận hiện nay là, kết quả bầu cử này sẽ ảnh hưởng gì đến quan hệ Trung - Mỹ, nhất là chiến tranh thương mại?
Theo Đài tiếng nói Đức, từ khi Mỹ bắt đầu tăng thuế quan đối với mặt hàng thép và nhôm, xung đột thương mại Trung - Mỹ đến nay đã qua hơn nửa năm. Trong thời gian đó, hai bên không ngừng mở rộng đánh thuế, Trung Quốc đã tăng thuế quan đối với hầu như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ; còn Mỹ đã tăng thuế quan đối với khoảng một nửa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thậm chí đe dọa có thể áp thuế đối với số hàng hóa còn lại của Trung Quốc.
Do Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có vị thế rất quan trọng trong chuỗi ngành nghề toàn cầu. Vì vậy, xu thế tiếp theo của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhất của giới kinh tế trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vừa qua.
Nhà quản lý Nick Twidale của Công ty chứng khoán Rakuten Australia nói với hãng tin Reuters rằng, giới tài chính sẽ bỏ ra thời gian vài ngày để đánh giá ảnh hưởng của kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. “Đối với kết quả hiện nay, khi quán triệt phương châm chính trị của mình, chính quyền Donald Trump sẽ gặp một số phiền phức”.
Trong khi đó, nhà phân tích hàng đầu Neil Wilson của kênh giao dịch ngoại hối Markets.com nhấn mạnh, cuộc chiến tranh thương mại do ông Donald Trump phát động đối với Trung Quốc sẽ kéo dài, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ. Cho dù Quốc hội Mỹ bị chia rẽ thì cũng không thể ngăn cản được việc ông Donald Trump tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Quan hệ Trung - Mỹ có thể căng thẳng hơn trong thời gian tới. Ảnh: DW. |
Nhà nghiên cứu Đào Văn Chiêu từ Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm tương tự với Neil Wilson. Ông nói: “Cuộc bầu cử giữa kỳ nhiều nhất sẽ làm cho hành động lập pháp thời gian tới của ông Donald Trump trở nên tương đối khó khăn. Đối với quan hệ Trung - Mỹ, tranh chấp thương mại sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp. Tranh chấp thương mại chủ yếu do mệnh lệnh hành chính do Tổng thống trực tiếp ban hành quyết định.
Theo Đào Văn Chiêu, mặc dù hiệu lực của mệnh lệnh hành chính bị hạn chế về thời gian, nhưng Tổng thống có quyền tiến hành kéo dài nhiều lần. Vị chuyên gia quan hệ Trung - Mỹ này còn phản bác quan điểm cho rằng “ông Donald Trump bị Quốc hội kiềm chế trong vấn đề nội chính, vì vậy sẽ tập trung quan tâm hơn tới chính sách đối với Trung Quốc”.
Đào Văn Chiêu cho rằng: “Khả năng này tồn tại, nhưng không khỏi có sự gượng ép. Quan hệ với Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp một chút, nhưng không có ảnh hưởng trực tiếp”.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc nhấn mạnh, so với các vấn đề khác, “khả năng quan hệ Trung - Mỹ bị ảnh hưởng bởi kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ xem ra là nhỏ nhất; nguyên nhân ở chỗ việc cứng rắn với Trung Quốc là một trong những vấn đề mà hai đảng ở Mỹ có thái độ trùng hợp với tỷ lệ cao nhất. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ, Đảng Dân chủ đã không công kích chiến tranh thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
Theo tiết lộ của tờ báo này, tất cả các học giả Trung Quốc được hỏi đều không cho rằng việc mất đi quyền kiểm soát Hạ viện sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đối với chính sách Trung Quốc của ông Donald Trump. Thậm chí, Đảng Dân chủ sẽ còn gây khó khăn cho Trung Quốc trong các vấn đề như nhân quyền.
Kyoya Okazawa, Giám đốc bộ phận khách hàng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng BNP Paribas chỉ ra rằng, thị trường tài chính sẽ từng bước nhận thức được rằng Đảng Dân chủ thực ra cũng cứng rắn với Trung Quốc, “nhân tố dẫn đến sự lo ngại của thị trường tài chính sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Chính sách cứng rắn với Trung Quốc về thương mại của ông Donald Trump sẽ không thay đổi, Quốc hội do người Đảng Dân chủ kiểm soát thậm chí sẽ còn thúc đẩy xung đột thương mại Trung - Mỹ tiếp tục leo thang”.
Koji Fukaya, Giám đốc điều hành hàng đầu Công ty chứng khoán FPG Nhật Bản cho rằng, sau cuộc bầu cử giữa kỳ, lập trường cơ bản của chính quyền Donald Trump đối với Trung Quốc sẽ không có sự thay đổi quá lớn.
“Nhưng, nếu ông Donald Trump quyết định muốn đạt được thỏa hiệp thương mại với Trung Quốc thì sẽ bị ảnh hưởng do Đảng Cộng hòa mất đi đa số ghế ở Hạ viện, bởi vì nội bộ Đảng Dân chủ cũng có phe cứng rắn với Trung Quốc”, Koji Fukaya khẳng định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc chuẩn bị gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Politico. |
Rajiv Biswas, nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương của công ty phân tích số liệu thị trường Anh IHS MARKIT cho rằng: “Bất luận là Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, họ đều cho rằng, tình hình thương mại của Trung Quốc cần thay đổi cấp bách. Tôi cho rằng, cho dù Đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội thì họ cũng sẽ không thay đổi những nỗ lực của nhà cầm quyền Mỹ trong việc tìm cách cắt giảm thâm hụt với Trung Quốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ”.
Tại Diễn đàn kinh tế mới Bloomberg ở Singapore, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, người từng phụ trách điều phối quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, cảnh báo rằng xung đột kinh tế đã tiệm cận một điểm cong, quan hệ Mỹ - Trung có khả năng từ cạnh tranh chiến lược lành mạnh trước đây chuyển sang Chiến tranh Lạnh toàn diện, từ đó cản trở thương mại tự do toàn cầu: “Chúng ta đang đi vào thời kỳ lạnh lẽo của quan hệ Mỹ - Trung”.
ĐÔNG PHONG(Theo DW)