Dấu chân của quái vật người tuyết Yeti đã được quân đội Ấn Độ phát hiện và công bố trên Twitter, làm dậy sóng phương tiện truyền thông xã hội với nhiều ý kiến trái chiều.
Hình ảnh được cho là của quái vật Yeti ở Himalaya. Ảnh: Getty |
Yeti, còn được gọi là Người Tuyết và Bigfoot, được cho là một sinh vật khổng lồ giống vượn sống trên núi Himalaya. Trong nhiều thập kỷ qua, nhân loại đã không ngừng tìm kiếm Yeti nhưng không gặp may mắn. Vì vậy, phương tiện truyền thông xã hội đã dậy sóng khi quân đội Ấn Độ tuyên bố trên Twitter rằng họ đã khai quật được bằng chứng về quái vật huyền thoại này.
Tài khoản Twitter đã được xác minh của Tổng cục Thông tin bổ sung của quân đội Ấn Độ đã tải lên những bức ảnh mà họ tuyên bố là dấu vết của Yeti trong tuyết. Bài đăng có nội dung: “Lần đầu tiên, một đội thám hiểm leo núi của quân đội Ấn Độ đã nhìn thấy dấu chân bí ẩn của con thần thú huyền thoại Yeti”.
Bài đăng kèm theo 3 hình ảnh dấu chân bí ẩn, cùng với một bức ảnh nhóm của nhóm thám hiểm. Theo đó, dấu chân của Yeti có kích thước 81cm x 38cm và được phát hiện từ tháng 4/2019 tại khu vực gần Makalu Base Camp - một vùng núi bị cô lập giữa Nepal và Tây Tạng.
Trong khi một số người bày tỏ sự ủng hộ với tuyên bố của quân đội Ấn Độ, nhiều người khác lại nghi ngờ và chỉ trích vì cáo buộc truyền bá một lý thuyết chưa được khoa học chứng thực. Mặc dù vậy, hashtag #Yeti vẫn trở thành một trong những chủ đề xu hướng hàng đầu của Twitter Ấn Độ vào hôm qua (7/5).
Về phần mình, quân đội Ấn Độ không cung cấp thêm bất kỳ bằng chứng nào khác. Trước đó, họ đã cử một đơn vị tinh nhuệ thực hiện chuyến thám hiểm đến Makalu từ giữa tháng 3 như là một phần của mục tiêu chinh phục tất cả các đỉnh núi cao trên 8.000m trong khu vực.
Một nghiên cứu năm 2017 trên mẫu vật được cho là của Yeti ở Himalaya đã sử dụng trình tự kiểm tra ADN để kiểm tra 24 mẫu Yeti bao gồm tóc, xương, da và phân. Charlotte Lindqvist và nhóm của bà đã phát hiện ra rằng một số vật phẩm đến từ con gấu nâu Himalaya và một con gấu đen. Ngoài ra, một chiếc răng khác được xác định là của loài chó.
Một cuộc điều tra khác đã đưa ra kết luận tương tự. Nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy 30 mẫu lông được cho là của Yeti thực chất có nguồn gốc từ nhiều loại quái thú như gấu Bắc Cực Paleolithic, các loại gấu và chó khác.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Express)