Luật sư cho biết, nếu công ty đó không được cấp phép đầu tư dự án (không được thi công trên phần đất mà bà Tài Nhân an nghỉ) mà cố tình thi công san ủi thì có dấu hiệu phạm tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, được quy định theo Điều 246, BLHS năm 1999.
Liên quan đến vụ lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi làm bãi đỗ xe, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc vừa gửi đơn đến Tòa án Nhân dân TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi kiện chủ đầu tư Dự án bãi đỗ xe lăng vua Tự Đức và vua Đồng Khánh là công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị.
Đơn thư nêu, ngày 19/6, công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị tự ý san ủi ngôi mộ bà Tài Nhân, một phi tần của vua Tự Đức mặc dù chưa được bàn giao mặt bằng. Việc làm này đã phá hủy toàn bộ nơi an nghỉ và xâm phạm đến hài cốt bà Tài Nhân.
Nơi được cho là huyệt mộ của bà tài nhân họ Lê, vợ Vua Tự Đức. Ảnh An Sơn |
Trên cơ sở đó, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc và con cháu hậu duệ nhà Nguyễn yêu cầu Tòa án Nhân dân TP.Huế khởi tố theo Điều 319, Bộ luật Hình sự về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt đối với công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh để tìm hiểu sự việc trên phía cạnh pháp lý.
Luật sư Thơm cho biết, khu di tích lịch sử lăng Tự Đức thuộc quần thể di tích Cố đô Huế - là Di sản Văn hoá Thế giới. Vì vậy Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cần có đơn kiến nghị gửi bộ VH-TT&DL, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo dừng ngay hoạt động thi công đó lại.
Sau đó, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Chẳng hạn như công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị có được cấp phép thi công dự án hay không?
Nếu công ty đó không được cấp phép đầu tư dự án (không được thi công trên phần đất mà bà Tài Nhân an nghỉ) mà cố tình thi công san ủi thì có dấu hiệu phạm tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, được quy định theo Điều 246, BLHS năm 1999.
“Còn Điều 319, Bộ luật Hình sự 2015 về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì đến 1/1/2018 mới có hiệu lực”, luật sư phân tích.
Cũng theo luật sư Thơm, trường hợp công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị được cấp phép đầu tư, sử dụng diện tích đất nằm trong hành lang bảo vệ di tích lăng Tự Đức, dẫn đến phía công ty “vô tư” thi công thì trách nhiệm chính thuộc về đơn vị cấp phép cho doanh nghiệp.
Nếu biết đó là hành lang bảo vệ di sản văn hoá là lăng Tự Đức mà vẫn quy hoạch xâm lấn hoặc cấp phép cho doanh nghiệp thì có dấu hiệu của tội Cố ý làm trái hoặc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với những cá nhân liên quan, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về phía công ty, kể cả trong trường hợp đã được cấp phép đầu tư sử dụng diện tích đất trên, tuy nhiên vẫn chưa được bàn giao mặt bằng nhưng vẫn cố tình thi công san ủi thì cũng là sai. Quá trình san ủi, nếu phát hiện phần mộ một phi tần của vua Tự Đức và biết được đó là hành lang bảo vệ di sản văn hoá thì phải ngừng thi công ngay, khắc phục hậu quả.
“Các cơ quan chức năng cũng phải khẩn trương vào cuộc để rà soát lại dự án san ủi làm bãi xe của công ty trên đã đúng hay chưa, có tuân thủ theo luật Di sản Văn hoá hay không”, luật sư Thơm nêu ý kiến.