+Aa-
    Zalo

    Quan chức Ukraine nêu lý do chưa thể có "đảm bảo an ninh" từ EU

    (ĐS&PL) - Ít nhất 6 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) không đồng ý thông qua "đảm bảo an ninh" dành cho Ukraine.

    Báo điện tử VTC News dẫn nguồn từ hãng tin RT đưa tin, ngày 24/12, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình quốc gia Ukraine, ông Andrey Sibiga - Phó chánh văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Áo, Croatia, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Malta đều không tán thành việc Liên minh châu Âu (EU) thực hiện một thỏa thuận đảm bảo an ninh lâu dài dành cho Kiev.

    Thỏa thuận an ninh lâu dài dành cho Ukraine được các nước thuộc nhóm G7 thông qua vào tháng 7/2023, vạch ra các cam kết an ninh với Kiev. Trong đó bao gồm tiếp tục hỗ trợ quân sự, chia sẻ thông tin tình báo và các biện pháp khác nhằm tăng cường an ninh của quốc gia này.

    Tuy nhiên, ở Liên minh châu Âu thỏa thuận đảm bảo an ninh cho Ukraine lại không nhận được sự ủng hộ của nhiều nước thành viên. Trong đó có 6 quốc gia được ông Sibiga nhắc đến. Vào tháng 9/2023, trợ lý cấp cao Tổng thống Zelensky – ông Mikhail Podoliak từng cho biết có 28 quốc gia trên thế giới ủng hộ các đảm bảo an ninh cho Kiev và con số này có thể tăng lên 51 trong tương lai.

    quan chuc ukraine neu ly do chua the co dam bao an ninh tu eu

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP

    Cũng theo ông Sibiga, Kiev không có ý định hối thúc các quốc gia trên ủng hộ thỏa thuận vì Kiev tự tin những nước này sớm muộn gì cũng sẽ đồng ý. Ông nói thêm rằng, vấn đề này đã được thảo luận trong chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tới Kiev. Kiev và Warsaw gần đây đã bất đồng về các cuộc biểu tình do những người tài xế Ba Lan tổ chức ở biên giới, những người này phản đối các quy định mới của EU đang thiên vị cho Ukraine và ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của họ.

    Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer bình luận về các đảm bảo an ninh vào tháng 6 rằng, các nước EU vẫn giữ thế trung lập không thể ủng hộ tuyên bố này, mặc dù tất cả đều cam kết sẽ thảo luận vấn đề này trong tương lai.

    Hungary và Slovakia phản đối việc gửi viện trợ quân sự tới Kiev. Budapest cũng hoài nghi về nguyện vọng gia nhập EU của Ukraine, trong khi Bratislava cảnh báo rằng việc gia nhập EU của nước này “còn rất xa”.

    Báo Tin tức đưa tin, theo tờ Financial Times, các biện pháp đảm bảo an ninh của Ukraine có thể được thực hiện dưới hình thức các thỏa thuận song phương với Pháp, Đức, Mỹ và một số quốc gia khác về tài chính dài hạn, cũng như cung cấp khí tài quân sự và huấn luyện cho binh lính.

    Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã thông qua tuyên bố ủng hộ Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Litva vào tháng 7. Tuyên bố đó bao gồm hỗ trợ an ninh, vận chuyển vũ khí, phát triển cơ sở công nghiệp, huấn luyện quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ các hoạt động mạng cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.

    Tuy nhiên, các cam kết an ninh được đề cập trong tuyên bố không có khung thời gian cụ thể để thực hiện. Kiev hy vọng rằng các đảm bảo an ninh sẽ được thực hiện trước hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO tại Washington vào tháng 7/2024.

    Về phía Ukraine, nước này cam kết cải cách nhằm đề cao dân chủ, nhân quyền và tự do báo chí. Ukraine cũng cam kết thực hiện cải cách và hiện đại hóa quốc phòng, bao gồm tăng cường kiểm soát dân chủ đối với các lực lượng vũ trang cũng như tăng cường hiệu quả và tính minh bạch trong các tổ chức và ngành công nghiệp quốc phòng.

    PhươngUyên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-chuc-ukraine-neu-ly-do-chua-the-co-dam-bao-an-ninh-tu-eu-a604755.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan