Brad Loomis, một kỹ sư phần mềm đến từ Pullman (Washington, Mỹ) cùng cô con gái 21 tuổi tên Paige đã ghé thăm Mipig Café ở Tokyo (Nhật Bản) vào một buổi sáng.
Máy pha chế đồ uống được đặt ở góc, nhưng họ và hàng chục vị khách khác chỉ quan tâm đến "những người bạn bốn chân” trong quán, theo Japan Today.
Họ chụp ảnh tự sướng với những chú lợn nhỏ xíu và nở nụ cười rạng rỡ. Những chú lợn mini thì chạy quanh phòng, không ngại tìm đến những cái đùi ấm áp của các vị khách để cọ mình vào đó.
Những chú lợn bé nhỏ luôn biết cách giữ yên lặng, không gây ồn ào, chỉ thỉnh thoảng khịt mũi. Chúng thân thiện và dễ gần gũi với con người. Cũng chẳng như tai tiếng giống loài, những chú lợn ở đây rất sạch sẽ và không có mùi.
Khách hàng phải trả 2.200 yên (365.000 nghìn đồng) trong 30 phút ở bên cạnh những chú lợn và phải đặt chỗ trước.
"Mỗi con lợn đều có sự khác biệt, có cá tính riêng của mình. Có con mạnh mẽ nhưng con khác có thể hiền lành", Shiho Kitagawa, quản lý quán Mipig Cafe, cho biết. Anh gọi những con lợn bằng cái tên đầy trân trọng là buta-san.
Quán Mipig Cafe ở khu mua sắm thời trang Harajuku (Tokyo) là một trong 10 quán cà phê lợn mà Shiho Kitagawa và đồng nghiệp của anh đã mở trên khắp đất nước Nhật Bản. Cửa hàng đầu tiên được mở tại Tokyo vào năm 2019, hai cửa hàng nữa sẽ khai trương vào cuối năm nay.
Những chú lợn siêu nhỏ với kích thước chưa bằng chó corgi có thể được mua với giá 200.000 yên (tương đương khoảng 33 triệu đồng). Chúng đã được huấn luyện đi vệ sinh và quen với việc ở cùng mọi người.
Thức ăn của lợn siêu nhỏ cũng được bày bán tại quán cà phê. Mipig cho biết họ đã bán được 1.300 con lợn cho những người yêu thú cưng.
Khách du lịch nước ngoài biết đến mô hình cà phê lợn nhờ trải nghiệm của người khác trên mạng xã hội, thực tế quán không đầu tư vào quảng cáo.
Ben Russell (người Australia) mỉm cười khi cuối cùng cũng có một con lợn trèo vào lòng mình. Đây là lần đầu tiên Ben tiếp xúc với lợn ngoài đời thật, song anh nhanh chóng có thiện cảm với loài vật hiền lành này.
Sophie Mo'unga (đến từ New Zealand, hiện sống ở Nhật Bản cùng chồng và hai con) có vẻ đã gây ấn tượng mạnh với đàn lợn khi nhiều con tranh giành nhau để được nằm trên đùi cô. "Chúng thật dễ thương. Tôi nghĩ tất cả đều đang giữ ấm cho nhau”, cô nói.
Quán cà phê lợn là kiểu kinh doanh mới nhất trong chuỗi quán cà phê động vật xuất hiện ở Nhật Bản, bao gồm cả những quán có cú, nhím, chim và thậm chí cả rắn.
Một số người đã đặt ra những câu hỏi về đạo đức rằng liệu các loài động vật có thích trải nghiệm này như con người hay không.
Sachiko Azuma, người đứng đầu tổ chức PEACE (viết tắt của Tổ chức Chấm dứt hành vi tàn ác và bóc lột động vật) có trụ sở tại Tokyo, cho biết: "Chắc chắn sẽ rất căng thẳng khi bị một nhóm người lạ chạm vào và vuốt ve".
Cô nói: "Các loài động vật đã trở thành công cụ để kinh doanh kiếm tiền". Nhóm của Sachiko chủ yếu phản đối các thí nghiệm trên động vật và "vườn thú cưng".
Sachiko cho biết, các quán cà phê thường có quy mô nhỏ và không cung cấp đủ môi trường tự nhiên cho mèo hoặc lợn nhỏ, đồng thời những quán cà phê nhốt động vật hoang dã là điều đáng lên án.
Cô chấp thuận việc các quán cà phê, do các trại tạm trú dành cho động vật điều hành, cố gắng tìm chủ cho những con vật nuôi bị bỏ rơi.
Tiến sĩ Bruce Kornreich, giáo sư khoa học lâm sàng tại Đại học Thú y (thuộc Đại học Cornell, Mỹ) cho biết việc tương tác với động vật có thể làm giảm các triệu chứng liên quan đến huyết áp, đau đầu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nó đồng thời nâng cao cảm giác hạnh phúc, giúp mọi người đối phó với căng thẳng hiệu quả hơn.
Như Quỳnh (T/h)