Thông tin từ UBND huyện Chi Lăng cho biết, quả na Chi Lăng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ.
Theo ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, chia sẻ: “Giá na dai năm nay, khi đã trực tiếp tham khảo ở các hộ dân, bán tại vườn là từ 30-35 nghìn/kg. Còn tại các hợp tác xã sau khi thu mua lại sẽ đóng gói, phân loại ra, giá na sẽ vào khoảng 65 nghìn/kg. Giá này tương đối cao hơn so với năm trước".
"Hiện tại, huyện Chi Lăng rất mong muốn cơ quan quản lý có chính sách để quả na Chi Lăng có thể xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, bởi hiện tại na chỉ được tiêu thụ chủ yếu trong nước", ông Phùng Văn Nghĩa bày tỏ.
Năm 2023, diện tích trồng na của huyện ước trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng; diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha. Đến hết năm 2023, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Theo ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: thông tin tổng quan về nội dung chương trình “Quảng bá, tiêu thụ Na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng” vào ngày 19/8/2023, tại chợ Nông sản (thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng); tổ chức livestream trực tuyến bán na, đấu giá na để gây quỹ xây dựng công trình an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Đồng thời, huyện cũng thực hiện Tuần lễ quảng bá Na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2023 (từ ngày 24/8 - 27/8/2023), tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (địa chỉ số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong đó, huyện Chi Lăng sẽ có 6 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản của huyện.
Đây là các hoạt động nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu sản phẩm thông qua các chương trình phát động thi đua sản xuất sản phẩm an toàn, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo ra sức lan tỏa rộng khắp trong nhận thức của người nông dân sản xuất nông nghiệp. Đổi mới phương thức kết nối tiêu thụ nông, đặc sản và sản phẩm OCOP của địa phương.
Bên cạnh các hoạt động quảng bá quả Na Chi Lăng và nông sản, UBND huyện Chi Lăng cũng lên kế hoạch tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Chi Lăng và Lễ hội chiến thắng Chi Lăng, dự kiến khai mạc ngày 10/10/2023.
Trong đó, có màn sử thi là tiết mục tái hiện lại toàn bộ chiến thắng Chi Lăng năm 1427 và những thành tựu đạt được của huyện Chi Lăng trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Đây được kỳ vọng là điểm nhấn đặc biệt thu hút đông đảo diễn viên nghệ sĩ và công chúng tham gia.
Qua đó, huyện Chi Lăng hướng tới mục tiêu xây dựng, hình thành Lễ hội chiến thắng Chi Lăng (10/10) sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện và được tổ chức hằng năm quy mô cấp huyện và hướng tới Lễ hội chiến thắng Chi Lăng có thể trở thành Lễ hội cấp Quốc gia.
Anh Lộc