Bị người vây quanh, rắn hổ mang chúa nặng 6,3 kg chui vào hang chuột tìm cách trốn thoát. Tuy nhiên, do quá dài nên chui không lọt, rắn bị người dân đánh nhừ tử rồi bắt bỏ vào bao.
Năm ngày qua, người dân ấp K9, xã Phú Đức (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) dặn nhau phải cẩn thận khi bước xuống sàn nhà có góc khuất hoặc vựa phân, củi… nhằm đề phòng rắn độc. Nhiều gia đình mắc thêm bóng đèn, trẻ con không dám chơi trò trốn tìm từ khi trong vùng xuất hiện rắn hổ mang chúa khổng lồ tại nhà ông Hai Bồng cách UBND xã Phú Đức khoảng 1 km.
Rắn cuộn tròn to hơn mâm cơm
Người đầu tiên phát hiện rắn hổ mang chúa được cho là lớn nhất từ trước đến nay ở vùng này là anh Mai Thiện Tâm, con rể ông Hai Bồng ở ấp K9.
Lúc đó gần 8h ngày 9/10, anh Tâm qua sông đến nhà cha vợ vác phân ra đồng bón lúa. Vác xong bao Urê, người đàn ông 41 tuổi xốc tiếp bao khác thì thấy con rắn đen, to bằng bắp tay quấn tròn dưới kệ gỗ kê phân cao khoảng 15 cm. "Thấy rắn quá to tôi hoảng hồn ném bao phân xuống đất, chạy lên gọi anh vợ Lê Hồng Thiên. Một lúc sau có thêm anh Võ Văn Trê với người bác vợ chạy qua, bật đèn xem là rắn gì để tìm cách vây bắt", anh Tâm nhớ lại.
Theo anh Tâm, sau nửa giờ bị quấy rầy nhưng con rắn vẫn không cử động, quấn tròn to hơn mâm cơm nằm trên nền đất. Khi lưới được rào quanh kệ phân, nhóm con cháu ông Bồng tấn công con vật bằng cây gỗ. "Rắn to ai cũng sợ nhưng tụi tôi thống nhất bằng mọi cách phải bắt cho được vì rắn độc "khủng" mà thoát ra ngoài thì nguy hiểm cho bà con vùng này", anh Tâm chia sẻ.
Chị Tuyết, con dâu ông Hai Bồng, chỉ nơi rắn hổ mang chúa nằm cuộn tròn dưới các bao phân. |
Bị nhiều người bao vây, rắn hổ mang chúa không tấn công lại mà tìm cách chạy trốn, cố chui chiếc đầu to như nắm tay xuống hang chuột chỉ bằng miệng ly. Thấy rắn khó quay lên trong khi phần thân còn lại bên ngoài dài gần 3 m cuốn lấy kệ phân, anh Tâm với người thân lao vào đánh đập.
"Khi bị đập trúng cổ thì con rắn... ngất xỉu. Anh Trê dùng hết sức chộp cổ rắn siết mạnh rồi cùng mọi người kéo đầu nó ra khỏi hang, dùng 2 đoạn dây chì xỏ miệng khóa lại để không thể cắn người hoặc phun nọc độc", anh Tâm kể.
Hổ mang chúa "xỉu" suốt đêm
Trong lúc con rắn to chưa kịp tỉnh lại, anh Tâm với mọi người lấy thước đo từ miệng đến đuôi dài 3,1 m, nặng 6,3 kg rồi cho vào bao cước mang đến công an xã giao nộp. Một lúc sau đuôi rắn cử động, công an nhận định rắn chỉ "xỉu" chứ chưa chết nên cho vào phòng khóa lại.
"Rắn 'xỉu' suốt đêm, sáng hôm sau mới ngóc đầu lên nhưng rất yếu. Đến chiều nó hồi phục dần, ngóc đầu cao mổ khi có người chọc phá nhưng không gây hại cho ai vì đã bị khóa miệng nhốt trong bao", một công an xã Phú Đức nói.
Hang chuột nơi rắn chui đầu xuống trốn và bị kẹt lại. |
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Hai Bồng khẳng định đây là lần đầu tiên nhìn thấy rắn hổ mang chúa lớn như vậy. Theo ông, hơn nửa đời người với hàng chục năm ra đồng nhưng nông dân này chỉ gặp rắn nước, bông súng, hổ hèo.
"Sáng hôm đó trước khi ra đồng tôi đứng cạnh kệ phân phân một lúc nhưng không xảy ra chuyện gì. Trước khi Tâm lấy phân bón ruộng, đứa dâu út của tôi cũng quét nhà sát kệ mà không phát hiện rắn độc", ông Bồng nói.
Sau những ngày rắn hổ mang chúa dài 3,1 m được "câu lưu" tại công an xã, chiều 13/10 lực lượng kiểm lâm đến mang đi "dưỡng thương" tại Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang). Để khuyến khích sự tự nguyên giao nộp động vật quý hiếm, nhóm bắt rắn đã được nhà chức trách hỗ trợ 1 triệu đồng.