(ĐSPL) - Nạn đào hầm, khoét núi tìm vàng đang tái bùng phát ở núi Hòn O, xã Đức Bình Tây, huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên). Không chỉ ban ngày, mà cả ban đêm, các “phu vàng” dùng máy nổ phát điện thắp sáng trong các ngóc ngách đường hầm, sườn núi để hoạt động, khiến các ngành chức năng và chính quyền địa phương khó ngăn chặn triệt để.
Băm nát núi Hòn O
Sau một thời gian dài tạm lắng, nạn đào hầm, khoét núi đang tái bùng phát nghiêm trọng trên diện rộng tại núi Hòn O, xã Đức Bình Tây. Các phu vàng bất chấp pháp luật, hiểm nguy khơi thông các miệng hầm đã được đánh sập bằng thuốc nổ trước đây, khoét sâu vào lòng núi, mở nhiều ngóc ngách, thắp điện để đào đất đá vận chuyển ra bên ngoài dùng máy xay tại chỗ rồi xuống bờ sông Ba đãi ra vàng. Nếu như trước đây, phu vàng đục khoét, đào hầm lưng chừng núi, thì nay đã “ăn” lên cao, phá tan hoang đỉnh núi.
Hiện tại “công trường” khai thác vàng, núi Hòn O bị băm nát, cắt ngang, xẻ dọc với nhiều đường hầm dài hàng trăm mét và hàng chục hố sâu hun hút trong lòng đất nhìn khuất tầm mắt.
Toàn cảnh núi Hòn O bị băm nát. |
Khi phóng viên tiếp cận gần hiện trường, hàng chục người tháo chạy, bỏ lại mùng, mền, chăn, võng, dụng cụ đào đãi vàng, thậm chí cả những chai nước giải khát còn chưa kịp bật nắp. Theo quan sát của phóng viên, trên núi Hòn O hiện còn ít nhất hơn 10 hầm đào vàng chưa bị đánh sập. Những hầm này có thể do các phu vàng đào lại hoặc đào mới.
Tại một hầm ăn ngang lòng núi có chiều rộng và chiều cao khoảng 1m, chúng tôi luồn lách vào sâu trong chừng 10m thấy nhiều ngách hầm ngang, dọc như những ngã ba, ngã tư. Trên đường hầm vẫn còn in đậm dấu giày cùng nhiều vật dụng mới vừa được vứt lại như găng tay, pin, bao thuốc lá, dây điện dùng để câu điện từ máy nổ vào hầm… Do đó, rất có thể các phu vàng vẫn còn ở nấp ở bên trong, chờ cơ hội tiếp tục đào đất đá, nên chúng tôi không dám lần sâu thêm vì sợ họ manh động “phản đòn” hay sập hầm.
Trong khi đó, bên ngoài sườn núi, phu vàng đào nhiều hầm ếch, hố sâu hàng chục mét, phân tầng lãnh địa hoạt động như ruộng bậc thang. Tại một ống hầm đào sâu xuống lòng đất chừng 20m, miệng hầm được gia cố bằng nhiều cọc nhỏ đóng sát nhau khá chắc chắn. Trên miệng hầm có một cây gỗ gác ngang, gắn rọng rọc để các phu vàng đu lên, tụt xuống và kéo đất đá lên vận chuyển ra bên ngoài.
Gần bên là lán trại tạm bợ còn mắc 1 chiếc võng, 2 chai nước giải khát Revive còn nguyên nắp và nhiều vỏ bao thuốc lá… Điều này chứng tỏ, các phu vàng vừa kịp thoát khỏi hiện trường hoặc ẩn náu trong đường hầm, chạy trốn trong rừng khi phát hiện có người lạ tiến đến hiện trường. Họ thoát hiểm nhanh đến mức, phóng viên không kịp bấm máy ghi hình cận cảnh, mà chỉ may mắn chụp được một vài hình ảnh từ xa qua sử dụng ống kính zoom máy kỹ thuật số.
Trả lời Pv, Phó chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, ông Trần Văn Ân xác nhận, tình trạng khai thác vàng trái phép núi Hòn O vẫn còn diễn ra, nhưng chưa được xử lý triệt để. Mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo lực lượng công an, xã đội, tài nguyên và môi trường truy quét, nhưng người dân vẫn lén lút đào đãi vàng sa khoáng. “Chúng tôi phải cải trang thành những người dân đi làm rẫy để tiếp cận, bắt quả tang các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, do đường lên núi quá xa, đi lại khó khăn, nên rất dễ bị họ phát hiện chạy trốn, tẩu tán tang vật. Mặc dù vậy, song có đợt chúng tôi cũng bắt được một nhóm hơn 10 người đang đào đất đá tại đây, lập biên bản xử phạt hành chính và buộc họ làm cam kết không tái phạm”, ông Ân, nói.
Theo thống kế của UBND xã Đức Bình Tây, trong 3 năm gần đây, lực lượng chức năng của xã đã lập biên bản xử lý không dưới 30 trường hợp, thu giữ hơn 20 phương tiện, tang vật vi phạm; trong đó tịch thu 4 máy xay đá, 8 máy phát điện lớn… Nhiều đối tượng vi phạm khi được chính quyền vận động đã từ bỏ, nhưng sau đó lại xuất hiện một số đối tượng khác lén lút lên núi đào đất đá tìm vàng, kể cả vào ban đêm.
Nhiều người dân quanh vùng nhận định, nạn phá núi tìm vàng ở Hòn O nếu không được ngăn chặn kịp thời, lòng núi ngày càng bị rỗng, trong khi đó xung quang sườn đồi bị đào bới nham nhở, sớm muộn sẽ xảy ra sập núi đè chết hàng chục người, tài nguyên, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng.
Khó ngăn chặn triệt để
Tình trạng khai thác vàng trái phép tại núi Hòn O có từ năm 2009, cao điểm nhất là từ năm 2012 trở lại đây. Khi đó, chính quyền huyện Sông Hinh phải tổ chức nổ mìn phá sập các cửa hầm để ngăn chặn. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, thực trạng trên xuất hiện trở lại cho đến nay. Đặc biệt là khi có tin đồn có một vài người dân trúng đậm 35 lượng vàng, nên nhiều người dân lén lút đến núi Hòn O tìm vận may.
Trong một diễn biến khác, tháng 9/2009, một doanh nghiệp tư nhân là Công ty liên doanh Khoáng sản Chúng Thao Hằng Tân lập dự án đầu tư khai thác vàng tại núi Hòn O với qui mô 165.000 tấn quặng/năm trên diện tích 25ha, thời gian hoạt động 30 năm.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, dự án này dừng hẳn, từ đó người dân bắt đầu vào phá núi Hòn O tìm vàng. Họ bất chấp nguy hiểm, đào nhiều đường hầm ăn sâu trong lòng núi không khác gì địa đạo.
Để răn đe, năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đình Cự đã ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi khai thác vàng trái phép đối với các ông Võ Ngọc Tuân, Trần Hữu Hà, Võ Ngọc Thanh, Nguyễn Duy Lộc và Võ Ngọc Thái (cùng ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) với tổng số tiền 300 triệu đồng (60 triệu đồng/người) và tịch thu toàn bộ phương tiện phục vụ khai thác vàng trái phép.
Liên quan đến tình trạng khai thác vàng trái phép trên núi Hòn O, chiều ngày 14/11, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho biết, trong tháng 11, huyện sẽ bàn với UBND xã Đức Bình Tây tìm biện pháp ngăn chặn triệt để.
Theo ông Trần Văn Ân, Phó chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, thẩm quyền xử phạt hành chính của xã hiện nay không quá 5 triệu đồng, nên không đủ sức răn đe các đối tượng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn khai thác vàng trên núi Hòn O liên tục tái diễn nhiều năm qua. Ngoài biện pháp xử phạt, địa phương chỉ còn cách tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không lên núi Hòn O khai thác vàng trái phép.