Nhiều phụ nữ trẻ Myanmar bị lừa bán sang Trung Quốc, bị cưỡng bức và ép sinh con cho các gia đình địa phương, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho hay.
Nhiều phụ nữ, cô gái trẻ người Myanmar bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: HRW |
Seng Moon là một người tị nạn nghèo khó sống trong trại người di tản (IDP) ở phía Đông Bắc Myanmar. Cô bị chị dâu thuyết phục vượt biên sang Trung Quốc để tìm việc làm nhưng cuối cùng, cô tỉnh dậy trong tình trạng bị trói hai tay sau lưng trên xe ô tô sau khi “uống thuốc chống say”. Chị dâu của cô đã rời đi và cô bị bỏ lại với một gia đình Trung Quốc.
Sau vài tháng, chị dâu của Seng Moon trở lại và nói với cô rằng cô sẽ phải kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc. Seng Moon bị chuyển đến một ngôi nhà khác, nơi cô bị trói và nhốt trong phòng. "Chồng" mới của cô mang đến cho cô bữa ăn, sau đó anh cưỡng bức cô.
Điều này diễn ra trong suốt 2 tháng trời, cho đến khi Seng Moon bị lôi ra khỏi phòng và cuối cùng được giới thiệu với người đàn ông đã lạm dụng cô trong nhiều tuần. Cô kể lại rằng cha của anh ta nói “đây là chồng cô” rồi khuyên họ nên xây dựng một gia đình mới.
Sự lạm dụng và hãm hiếp vẫn tiếp tục cho đến khi Seng Moon có thai. Sau khi cô sinh ra một bé trai, cô yêu cầu được về quê ở Myanmar. Moon nói rằng chồng cô cho biết cô được tự do di chuyển nếu muốn nhưng cô không thể mang theo đứa con.
Câu chuyện của Seng Moon là một trong hàng chục câu chuyện của những phụ nữ bị buôn bán từ Myanmar vào Trung Quốc được ghi nhận trong báo cáo của HRW có tựa đề "Hãy cho chúng tôi một đứa bé và chúng tôi sẽ để cô ra đi".
Tuy nhiên, Seng Moon là một trường hợp đặc biệt vì cô đã trốn thoát được với đứa con của mình, nhờ sự giúp đỡ của một kẻ buôn người khác. Hầu hết phụ nữ Myanmar phải trở về nước sau khi rời bỏ con của họ ở Trung Quốc.
Mua phụ nữ để sinh con
Theo HRW, vấn đề mua bán phụ nữ để sinh con là hệ luỵ của chính sách một con trong quá khứ gây ra tình trạng bất bình đẳng giới nghiêm trọng. Vào thời điểm chính sách được dỡ bỏ một phần hồi năm 2016, tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc là 1,15 nam/ 1 nữ - một trong những tỷ lệ giới chênh lệch nhiều nhất trên thế giới.
Sự chênh lệch này đặc biệt rõ rệt ở khu vực nông thôn, nơi nhiều người trẻ tuổi đi làm ở thành phố và những người đàn ông vẫn phải vật lộn để tìm vợ.
Theo báo cáo, những kẻ buôn người có thể kiếm được từ 3.000 đến 13.000 USD khi bán phụ nữ cho các gia đình Trung Quốc. Phần lớn, những người mua không tìm vợ mà chỉ là một người phụ nữ sinh con, thường được tạo ra bằng cách cưỡng bức nhiều lần cho đến khi họ mang thai.
"Một khi người phụ nữ hoặc thậm chí là thiếu nữ bị bán sang đã sinh em bé, họ có thể rời khỏi đó nhưng thường phải trả giá bằng việc bỏ lại đứa con với rất ít hy vọng gặp lại", báo cáo cho biết. "Trở lại Myanmar, những người sống sót vật lộn với chấn thương và sự kỳ thị khi cố gắng bắt đầu lại cuộc đời".
Sau khi trốn thoát, nhiều nạn nhân vẫn tiếp tục bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh. Ảnh minh hoạ: HRW |
Việc buôn bán người đã và đang xảy ra trong nhiều năm qua, phần lớn xảy ra với những người phụ nữ sinh ra, lớn lên ở khu vực nghèo khó, chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh, xung đột ở vùng phía đông Myanmar. "Chính quyền Myanmar và Trung Quốc đang ngó lơ vấn đề trong khi những kẻ buôn người vô đạo đức đang bán phụ nữ và trẻ em gái ở Myanmar khiến họ bị giam cầm và lạm dụng", bà Heather Barr - đồng giám đốc phụ trách quyền phụ nữ tại HWR cho biết trong một tuyên bố.
Không có việc làm hoặc nhiều triển vọng phát triển ở Myanmar hiện nay. Bên cạnh đó, các biện pháp bảo vệ pháp lý nghèo nàn hoặc không tồn tại ở nhiều trại IDP đã khiến phụ nữ trở thành “con mồi” cho những kẻ buôn người.
"Chính phủ Myanmar và Trung Quốc, cũng như Tổ chức Độc lập Kachin, nên làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn nạn buôn người, phục hồi và hỗ trợ nạn nhân cũng như truy tố những kẻ buôn người", bà Barr nói. "Các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế cũng nên hỗ trợ các nhóm địa phương đang làm công việc khó khăn là giải cứu phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán".
Buôn bán và lạm dụng phụ nữ
HRW đã phỏng vấn 37 người sống sót sau khi bị buôn bán trong khoảng thời gian 3 năm. Trong khi một số người bị thuyết phục bởi những kẻ lạ mặt, rủ rê đến du lịch Trung Quốc, nhiều người khác bị chính người thân hoặc bạn bè bị dụ dỗ bởi khoản tiền lớn hoặc lừa đảo. Một phụ nữ bị bán đi khi cô vẫn còn là một bé gái mười mấy tuổi nói với HRW rằng người môi giới bán cô cho một người đàn ông Trung Quốc là dì ruột.
Khi bị đưa đến Trung Quốc, những người phụ nữ thường bị lạm dụng khủng khiếp, kể cả khi họ đã mang thai. "Đôi khi họ cho chúng tôi ăn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy", một người sống sót nói với HRW. "Người môi giới ban đầu đã rời đi, và một người môi giới thứ hai đến rồi cho tôi xem ảnh những người đàn ông và hỏi tôi thích ai. Khi tôi nói tôi không thích bất kỳ người đàn ông nào, người môi giới đã tát tôi. Điều này tiếp tục trong vài ngày và tôi tiếp tục từ chối. Sau đó, người môi giới cưỡng bức tôi. Anh ta cũng đánh đập tôi tàn tệ".
Những người phụ nữ khổ sở vượt qua những ngày tháng dài bị lạm dụng cố gắng về nước. Tuy nhiên, với những chấn thương khủng khiếp thì họ vẫn không thể tìm kiếm sự tư vấn, giúp đỡ. Thậm chí, họ phải đối mặt với sự kỳ thị từ cộng đồng.
"Hầu hết các nạn nhân đều phải đối mặt với những tình huống kinh khủng. Họ quay trở lại và họ bị đối xử hoàn toàn khác", một quan chức của Hiệp hội Phụ nữ Kachin nói với HRW. "Những người khác chỉ nhìn chằm chằm, nhìn chằm chằm ... Họ thậm chí không dám ra ngoài và lộ mặt ... Họ cảm thấy có lỗi vì từng bị bán đi".
HRW đã kêu gọi chính phủ Myanmar làm nhiều hơn để bảo vệ phụ nữ khỏi những kẻ buôn người và trấn áp nạn buôn bán phụ nữ, đồng thời nâng cao nhận thức về những rủi ro tiềm ẩn cũng như cung cấp hỗ trợ thiết thực cho những người sống sót.
Chính quyền ở Myanmar và Trung Quốc đã không trả lời HRW về những lo ngại của nhóm. CNN đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Biên phòng Myanmar để bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)