(ĐSPL) - Vì sợ tới muộn điểm làm thủ tục dự thi, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng phóng xe máy lên vỉa hè “đi tắt” bất chấp sự ngăn cản của các CSGT và lực lượng thanh niên tình nguyện.
[mecloud]ZTu1OQLcUn[/mecloud]
Hôm nay ngày 30/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã tới các điểm làm thủ tục dự thi THPT Quốc gia 2015.
Đây là kỳ thi đầu tiên mà kết quả sử dụng với 2 mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Do đó, tính cạnh tranh cả kỳ thi vô cùng “khốc liệt” giữa các thí sinh.
Ghi nhận của PV báo Đời sống & Pháp luật tại điểm thi Đại học Quốc gia và Học viện Báo chí & Tuyên truyền, mặc dù thời gian làm thủ tục dự thi là 8h nhưng từ 6h30 đã có rất đông thí sinh đến.
Nhiều thí sinh bộc lộ tâm trạng khá háo hức, tươi cười và thoải mái. Các thí sinh đã được các tình nguyện viên hướng dẫn chu đáo về điểm thi, phòng thi, hướng di chuyển. Trong ngày làm thủ tục, các thí sinh sẽ điều chỉnh giấy báo thi nếu có sai sót.
Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra trầm tư, hồi hộp trong ngày làm thủ tục dự thi cho con em mình.
Tại hai điểm thi Đại học Quốc gia và Học viện Báo chí & Tuyên truyền, trước mật độ các thí sinh rất lớn, tuyến đường tại đây đã bị ách tắc kéo dài. Để đảm bảo việc lưu thông thuận lợi, các chiến sỹ CSGT cùng lực lượng thanh niên tình nguyện đã tiến hành phân luồng giao thông, điều tiết tuyến đường.
Tuy nhiên, vì sợ tới muộn điểm làm thủ tục dự thi, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng phóng xe máy lên vỉa hè “đi tắt” bất chấp sự ngăn cản của các CSGT và lực lượng thanh niên tình nguyện.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận tại cụm thi Đại học Quốc gia và Học viện Báo chí & Tuyên truyền:
Nhiều thí sinh bộc lộ tâm trạng khá háo hức, tươi cười và thoải mái.
|
Kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục đích: Lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; Cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định,Kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo các yêu cầu: nghiêm túc, khách quan, công bằng. Kỳ thi này tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn quy định và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định. Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng. Lần đầu tiên đổi mới thi, năm nay sẽ có hai loại cụm thi, cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH. |
XUÂN TÙNG