Mới đây, sau khi nhận được những phản ánh của độc giả yêu cầu sửa nội dung bài viết, tờ USA Today đã tiến hành điều tra công việc của nữ nhà báo Gabriela Miranda và phát hiện một số nhân vật được trích dẫn không liên quan đến các tổ chức nêu trong bài viết và các nguồn tin có vẻ là bịa đặt. Một số trích dẫn khác thì không xác minh được.
Do đó, USA Today nêu rõ tòa soạn "đã gỡ bỏ 23 bài báo khỏi trang mạng và các nền tảng khác của báo vì không đáp ứng các tiêu chuẩn báo chí của tòa soạn”.
USA Today cũng khẳng định rằng tờ báo này luôn cố gắng cung cấp thông tin chính xác và thực tế trong tất cả nội dung của mình, đồng thời rất lấy làm tiếc về sự việc trên.
Một trong số 23 tác phẩm bị gỡ là phóng sự bên ngoài nước Mỹ: "'Đây là tổ quốc tôi, tôi ở lại' - Những phụ nữ Ukraine này nằm trong số hàng nghìn người lựa chọn chiến đấu chứ không phải chạy trốn".
Bài viết được đăng tải ngày 25/3, một tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Bài viết có đoạn:
"Tháng trước, Olga Kovalenko chuyển đến căn hộ đầu tiên của cô ở Kyiv, Ukraine và đính hôn với bạn trai lâu năm. Tuy nhiên, giờ đây, cô dành cả buổi sáng để lau súng trường và kéo mọi người ra khỏi những ngôi nhà bị bom.
Khi Ukraine ban hành thiết quân luật và cấm đàn ông từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước, Kovalenko biết rằng cô sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân nếu rời quê hương. Cô gọi điện cho cha mẹ và tình nguyện gia nhập lực lượng quân đội Ukraine.
Kovalenko nói với USA Today: 'Tôi không có con và tôi sẵn sàng chiến đấu. Đây là tổ quốc, là nơi tôi sống'.
Kovalenko là một trong số hàng nghìn phụ nữ Ukraine từ chối chạy trốn khi bom đạn hoành hành và các thành phố bị bắn phá, kiên định với quyết định bảo vệ ngôi nhà thân yêu của họ và dập tắt hy vọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Nhân vật trong tác phẩm trên hoàn toàn không được xác thực. Nhà báo Miranda hiện đã xin thôi việc.
Trước đó, báo chí ở Mỹ cũng như ở các nước khác từng đối mặt với những vụ việc phóng viên bị phát hiện bịa đặt nội dung hoặc nguồn tin. Phóng viên kỳ cựu Claas Relotius của tờ Der Spiegel (Đức) năm 2018 bị phát hiện đã bịa đặt các chi tiết và trích dẫn trong nhiều bài viết.
Năm 2003, phóng viên Jason Blair của tờ New York Times đã thôi việc khi bị phát hiện “bịa đặt và đạo văn tràn lan” trong nhiều bài viết về các sự kiện lớn như cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Iraq.
Phóng viên Janet Cooke, người từng giành giải thưởng Pulitzer năm 1981 cho một bài viết trên tờ The Washington Post, đã trả lại giải thưởng sau khi bị phát hiện bịa đặt nội dung.
Mộc Miên (Theo Washington Post)