Tháng cô hồn, không chỉ Việt Nam, mà các nước châu Á khác như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... cũng có nhiều phong tục độc đáo.
1. Lễ cúng cô hồn ở Việt Nam
Hàng năm, đến tháng 7 âm lịch, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng. Thời gian cúng tùy thuộc vào từng gia đình, vùng miền chứ không ấn định ngày cụ thể.
Người dân Việt Nam cũng quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa… đều tránh tháng 7.
Mâm cúng cô hồn ở Việt Nam. Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, lễ cúng cô hồn thường được diễn ra vào buổi chiều tối. Đồ cúng cô hồn luôn phải có hương, hoa, đèn; gạo, muối, nước lã kèm theo là các món ăn... Đặc biệt, cháo loãng (cháo hoa) không thể thiếu trong trong mâm cúng cô hồn.
Buổi cúng cô hồn kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã. Ở nhiều địa phương, sau khi cúng xong, người dân thường cho phép trẻ con cướp (cỗ) cô hồn.
2. Trung Quốc
Người dân Trung Quốc đốt vàng mã cho tổ tiên. Ảnh: China Daily |
Ngày 15/7 âm lịch là ngày quan trọng nhất trong tháng cô hồn ở Trung Quốc. Người Trung Quốc quan niệm rằng vào ngày này, cổng địa ngục sẽ mở, tất cả các bóng ma lên trần gian để kiếm cơm và vui chơi dưới ánh trăng rằm.
Trong ngày rằm và cả tháng cô hồn, cũng như người Việt Nam, người dân Trung Quốc chuẩn bị cơm cúng, đốt mã gồm tiền, quần áo... cho tổ tiên và những những vong hồn vất vưởng khác. Thông qua những việc làm này, người Trung Quốc muốn duy trì phúc đức tổ tiên, mong ước tổ tiên phù hộ cho con cháu đồng thời xoa dịu nhiều linh hồn khác.
Một rạp kịch ngoài trời phục vụ người dân Trung Quốc trong tháng cô hồn. Ảnh: China Daily |
Đi xem kịch ngoài trời cũng là một hoạt động không thể thiếu ở Trung Quốc trong tháng cô hồn. Những vở kịch ca ngợi thần linh và được cho là đem đến niềm vui cho những bóng ma. Ngày nay, chúng được biểu diễn trong những tòa nhà chọc trời ở các thành phố lớn như Bắc Kinh. Người ta có thể dễ tưởng tượng những bóng ma lang thang ở các khu làng cổ kính chứ ít khi nghĩ về hình ảnh này ở nơi đô thị sáng đèn.
Đèn hoa đăng được thả xuống sông. Ảnh: BBC |
Vào ngày cuối cùng của tháng cô hồn, người Trung Quốc sẽ thả đèn lồng xuống các con sông như để dẫn đường cho hồn ma trở về cõi âm. Trong tháng cô hồn, người Trung Quốc kiêng ra ngoài vào ban đêm vì sợ có vong theo, không đi bơi vì sợ ma dìm chết đuối, kiêng hát hay huýt sáo nếu không muốn những bóng ma đáp lại lời mình.
3. Lễ rước ma ở Đài Loan
Tại Đài Loan, lễ cúng cô hồn được diễn ra vào chủ yếu vào ngày rằm (15/7) với ba phần khác nhau: mời các vong hồn, cúng tế cho họ ăn vào ngày 15/7 và đưa tiễn họ vào ngày 29/7.
Trong ngày cúng cô hồn, các gia đình sẽ chuẩn bị thịt, hoa quả, hoa tươi và các thứ khác để cúng trên chùa hoặc thực hiện ngay trước sân nhà mình.
Người dân thực hiện nghĩ lễ rước ma ở Đài Loan. Ảnh: Ecns.cn |
Gia đình có điều kiện có thể mời các vị sư về nhà làm lễ cầu siêu cho vong linh tổ tiên nhà mình và các linh hồn không nơi nương tựa khác.
Trong dịp này, người dân Đài Loan cũng tổ nhiều lễ hội khác như lễ hội rước ma, thả đèn hoa đăng với quy mô lớn.
4. Cúng cô hồn tại Hồng Kông
Có khoảng 1,2 triệu người dân ở Hồng Kông có nguồn gốc từ Triều Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Chính vì vậy, lễ cúng cô hồn ở đây được tổ chức theo phong tục của người Trung Quốc.
Lễ cúng cô hồn tại Hồng Kông. Ảnh: Ecns.cn |
Bên cạnh đó, người dân Hồng Kông có cách cúng cô hồn riêng; kéo dài cả tháng 7 âm lịch. Cúng cô hồn đã được tổ chức trong hơn 100 năm, được coi như một di sản văn hóa của nơi này.
Cụ thể, trong suốt tháng 7, người dân sẽ tập trung ở nhiều nơi như công viên, quảng trường, ven sông hay một vùng đất rộng để cúng tế tổ tiên và cô hồn. Họ đốt hương, vàng mã và phân phát gạo miễn phí hay biểu diễn nhạc kịch... phục vụ hồn ma.
5. Lễ hội Obon ở Nhật bản
Mâm cúng của người Nhật. Ảnh: Savvytokyo |
Obon là sự kiện của những người Nhật theo Phật giáo diễn ra trong 3 ngày của tháng 8 dương lịch hằng năm. Người ta tin rằng vào dịp này, linh hồn của tổ tiên trở lại trần thế để thăm người thân của họ.
Trong ngày đầu tiên, người Nhật sẽ đến thăm các ngôi mộ của người thân và trang trí mộ với các loại trái cây, bánh và lồng đèn.
Người dân Nhật Bản tham gia lễ hội Obon. Ảnh: Sohdaiko |
Ngày thứ 2, họ sửa soạn bàn thờ ở nhà. Phía trên cùng của bàn thờ, người ta đặt những vật tưởng niệm về tổ tiên và cúng những món ăn chay. Những con vật làm từ dưa chuột hay cà tím được đặt lên bàn thờ, tượng trưng cho phương tiện đón rước các linh hồn.
Ngày cuối cùng, người Nhật mặc bộ kimono mùa hè (yukata) và cùng nhau tham gia điệu múa Obon (bon odori) theo vòng tròn.
Lễ dâng lửa đưa tiễn các linh hồn đã khuất trở về cõi âm. Ảnh: Sushiknife |
Lễ dâng lửa trong dịp Obon được tiến hành khi 5 dải lửa được đốt lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ. Lễ dâng lửa linh thiêng này nhằm mục đích tiễn đưa linh hồn của những người đã khuất trở về sau khi đã ghé thăm trần thế. Ngoài ra, người dân Nhật còn được chứng kiến các màn pháo hoa trong dịp lễ này.
6. Malaysia
Người dân Malaysia đốt vàng mã cho những hồn ma vất vưởng. Ảnh: theborneopost |
Malaysia cũng có những phong tục trong tháng cô hồn gần giống với người Trung Quốc như thả đèn tiễn vong linh, dâng cúng các vật phẩm, đốt vàng mã... Người dân Malaysia thường để các vật cúng lễ bên đường vì tin rằng những hồn ma vất vưởng có thể lấy những thứ đồ đó trên đường đi.
Các tín đồ ở Malaysia dâng đồ tại chùa để làm lễ. Ảnh: AFP |
Người Malaysia cũng tin rằng những vong hồn này thường dễ làm điều ác trong 30 ngày địa ngục mở cửa.
7. Singapore
Mặc dù là một đất nước giàu có, hiện đại nhưng niềm tin siêu nhiên vẫn là một phần của người dân nơi đây. Đặc biệt, trong tháng cô hồn, niềm tin đó dường như càng cao hơn.
Như các nước khác, người dân ở Singapore cũng đốt vàng vàng mã cho người đã khuất. Ảnh: Singapore Tourism Board |
Tại đây, người dân đốt hình một vị thần bảo trợ các hồn ma bằng giấy cao hơn 8 mét trong lễ hội và nhìn vào đó như để đoán vận của tương lai của mình.
Những buổi diễn kịch được tổ chức ở sân khấu ngoài trời trong tháng cô hồn. Ảnh: travel-and-photography |
Người dân Singapore cũng thắp hương cúng tổ tiên, đốt vàng mã cho vong linh. Bên cạnh đó, họ tránh chuyển nhà hay văn phòng vì cho rằng việc làm này sẽ khiến các linh hồn đang trú ngụ nổi giận, tránh giết côn trùng hoặc mặc áo đỏ vì cho rằng ma quỷ sẽ bám theo.
8. Thái Lan
Tại Thái Lan, có một lễ hội ma xó hay còn gọi là Phi Ta Khon được tổ chức trong 3 ngày của tháng 6 hàng năm tại huyện Dan Sai ở tỉnh Loei, vốn để tôn vinh sự trở lại của Phật - Hoàng tử Vessandorn sau khi ông rời khỏi ngôi làng của mình để bắt đầu một hành trình dài.
Lễ hội Phi Ta Khon được tổ chức linh đình ở Thái Lan. Ảnh: Bangkok post |
Theo niềm tin địa phương, do người dân ăn mừng lễ hội này quá lớn nên đã đánh thức những hồn ma. Người tham gia lễ hội thường mặc trang phục như ma quỷ và đeo mặt nạ. Nhiều thanh niên múa và biểu diễn các động tác chiến đấu với các hồn ma hiện thân qua những chiếc mặt nạ làm từ thân cây dừa.
Lễ hội Phi Ta Khon rực rỡ sắc màu đã góp phần thu hút đông đảo khách du lịch đến đây mỗi năm.
Đồng Trang (T/h)