Sau phản ánh "Phụ huynh quây hiệu trưởng vì cho trẻ ăn cơm sống", PV đã có trao đổi với Phòng Giáo dục huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh).
Trước đó, trong 4 ngày từ 26 - 29/9, trong trường Mầm non thị trấn Lim 2 có xuất hiện 17 trẻ bị tiêu chảy (chưa rõ nguyên nhân, một số trẻ đã bị tiêu chảy từ đầu giờ sáng khi nhà trường mới nhận trẻ, chưa tổ chức ăn).
Riêng ngày 3/10 không có cháu nào bị tiêu chảy khi ăn tại trường, sức khỏe của các cháu đều ổn định bình thường.
Tại buổi làm việc với phụ huynh học sinh, bà Nguyễn Thị Nga, hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, việc nhà bếp nấu cơm chưa chín là do nhà trường vừa mới nhập gạo mới nên dẫn đến việc trên.
Trường mầm non thị trấn Lim 2, nơi xảy ra sự việc. |
Về số bánh được phụ huynh phát hiện trong nhà bếp trên vỏ hộp không có nhãn mác, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng bà Nga nhận thiếu sót, không kiểm tra kỹ.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường tạm thời không tổ chức ăn bán trú....
Tạm dừng hợp đồng mua bán sản phẩm
Sáng 5/10, ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức họp với hội cha mẹ học sinh và quyết định tiếp tục tổ chức ăn bán trú cho trẻ. Do đã tạm dừng các hợp đồng mua bán đối với các công ty cung cấp thực phẩm nên tạm thời nhà trường phối hợp với đại diện Hội Phụ huynh học sinh cùng nhà bếp đi chợ mua thực phẩm, giám sát nấu ăn tại trường.
Trao đổi với VietNamNet chiều 6/10, bà Nguyễn Thị Minh Hường - Phó phòng giáo dục huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Tiên Du đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện tiên Du, Trạm y tế thị trấn Lim, Trung tâm Y tế huyện Tiên Du đã có buổi đối thoại với phụ huynh và đưa ra hướng giải quyết cụ thể.
Theo đó, nhà trường tạm dừng các hợp đồng mua bán thực phẩm với công ty Phương Viên để chờ giám định của cơ quan chức năng. Đồng thời mang các mẫu bánh đi kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Nga khẳng định không có chuyện các cháu ăn cơm chưa chín tại trường. |
"Trước mắt, chúng tôi yêu cầu tạm dừng hợp đồng cung cấp thực phẩm của các công ty đã ký kết với nhà trường. Đồng thời yêu cầu ban giám hiệu nhà trường xin lỗi các phụ huynh và chấn chỉnh chuyên môn" - bà Hường nói. Đồng thời, tuyên truyền phụ huynh đưa các cháu đến lớp, kiên quyết không để các cháu bỏ học...
Ngày nào Phòng Giáo dục cũng xuống giám sát
Vẫn theo bà Hường, từ hôm xảy ra sự việc, hôm nào cũng có cán bộ của phòng Giáo dục huyện xuống trường giám sát mọi hoạt động” – bà Hường nói.
Bà Hường cho biết, Phòng Giáo dục yêu cầu cho tạm dừng bữa ăn trong vài ngày. Từ ngày 5/10, số lượng trẻ đến trường ổn định nên trường đã tổ chức bữa ăn cho các cháu. Thực phẩm được mua tại chợ thị trấn và do phụ huynh và nhà trường giám sát cùng đi chợ.
"Đây là biện pháp tình thế nhằm ổn định hoạt động cho nhà trường, nhưng nếu kéo dài sẽ không ổn" - bà Hường nhìn nhận.
Phụ huynh trong cuộc họp với nhà trường |
Về lâu dài, Phòng giáo dục đề nghị hai hướng giải quyết: Thứ nhất, các bậc phụ huynh thành lập 1 công ty cung cấp thực phẩm, có đầy đủ chức năng, tư cách pháp nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho nhà trường.
Hoặc là, các phụ huynh tự đề cử, giới thiệu 1 công ty cung cấp thực phẩm đủ tư cách pháp nhân, uy tín, các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhà trường.
“Phương án này là để phụ huynh tự lựa chọn đầu mối cung cấp thực phẩm cho bữa ăn của các cháu với tiêu chí; an toàn vệ sinh thực phẩm, đầy đủ tư cách pháp nhân, uy tín, đảm bảo vệ sinh lại có giá thành hợp lý” - bà Hường nói.
Nhị Tiến – Diệu Bình
Nguồn: Vietnamnet
[mecloud]ZkUlo8dFAB[/mecloud]