+Aa-
    Zalo

    Phó Tổng giám đốc Sài Gòn VRG bán 14 triệu cổ phiếu, thu về hơn 1.500 tỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận lượng lớn giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng khoảng 14,3 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị khoảng 1.565 tỷ

    Cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận lượng lớn giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng khoảng 14,3 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị khoảng 1.565 tỷ đồng.

    Ông Nguyễn Thanh Tùng - ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) vừa thông báo bán xong 14,35 triệu cổ phiếu SIP từ 9/8 đến 5/9.

    Trong khoảng thời gian ông Nguyễn Thanh Tùng thực hiện giao dịch (9/8 đến 5/9), trên thị trường, cổ phiếu SIP ghi nhận lượng lớn giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng khoảng 14,3 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị khoảng 1.565 tỷ đồng.

    SIP chào sàn ngày 6/6/2019, với giá khởi điểm 17.200 đồng/cổ phiếu và đạt mức đỉnh 139.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 20/8/2019. Tuy nhiên, tại phiên giao dịch ngày 11/9, cổ phiếu SIP đã giảm xuống còn 109.000 đồng/cổ phiếu. Tạm tính tại giá này, số tiền ông Tùng thu về hơn 1.500 tỷ đồng.

    Phó TGĐ Sài Gòn VRG bán 14 triệu cổ phiếu, thu về hơn 1.500 tỷ. Ảnh minh họa

    Với việc giá cổ phiếu tăng cao, không ít lãnh đạo SIP bán ra cổ phiếu. Ngoài ông Tùng còn có Chủ tịch Trần Mạnh Hùng đã bán 350.000 cổ phiếu, Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Nhân đã bán 177.000 cổ phiếu, Phó tổng giám đốc Trần Như Hùng đã bán 100.000 cổ phiếu…

    Trong khi đó, mới đây bà Phạm Thị Hồng Hạnh, chị gái ông Phạm Hồng Hải, thành viên HĐQT, đã đăng kí mua vào 4 triệu cổ phiếu SIP. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 6/9 đến ngày 3/10/2019.

    Sài Gòn VRG hiện là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VnRubber -Mã: GVR). Công ty được thành lập năm 2007 với 4 cổ đông sáng lập là VnRubber, Cao su Phước Hòa, Đầu tư xây dựng Cao su và ông Trần Công Kha.

    Hoạt động chính của công ty là đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và khu dân cư, cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ liên quan.

    Đến 3/1/2019, Sài Gòn VRG được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thành công ty đại chúng và cổ phiếu SIP bắt đầu được lưu ký từ ngày 20/2. Cơ cấu cổ đông của SIP khá đa dạng khi có đến 7 cổ đông lớn, chiếm khoảng 81,3% vốn công ty. Trong đó, đáng chú ý có VnRubber sở hữu 13,5%, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) chiếm 9%, Thành viên HĐQT Nguyễn Thanh Tùng có 22,3% vốn…

    Về hoạt động kinh doanh, công ty bắt đầu có doanh thu từ đầu năm 2010 khi dự án đầu tiên Khu công nghiệp Đông Nam đi vào hoạt động và sau đó đến 6/2010 là dự án Khu công nghiệp Phước Đông.

    Trong vài năm qua, kết quả của Sài Gòn VRG liên tục tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2018 tăng 26% lên mức 3.239 tỷ đồng nhờ tập trung cho thuê đất, bán điện, nước. Lợi nhuận sau thuế thu về 249 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước, EPS tương ứng 3.600 đồng. Giá trị sổ sách là 16.706 đồng/cp.

    Dù vậy, Sài Gòn VRG lại đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 khá thận trọng với doanh thu dự kiến giảm 7% xuống 3.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế còn 200 tỷ đồng, giảm 19,5% so với năm 2018. Cổ tức dự kiến 15%, thấp hơn mức 17-18% các năm trước đó.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-tong-giam-doc-sai-gon-vrg-ban-14-trieu-co-phieu-thu-ve-hon-1500-ty-a292492.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan