Trong một cuộc phỏng vấn với Kênh 24 của Ukraine vào ngày 23/6 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết, hiện tại, gần 2.000 binh sĩ của nước này đã bị quân đội Nga bắt giữ. Kiev đã thông báo cho Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế về con số này.
Hồi tháng 5, ông Alexander Bastrikin, người đứng đầu Ủy ban Điều tra Nga, cũng cho biết phía Moscow giam giữ khoảng 2.000 binh sĩ Ukraine "tự nguyện hạ vũ khí" và nói rằng họ hiểu "sự kháng cự là vô ích".
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hai bên đã tiến hành nhiều cuộc giao tranh khốc liệt ở thành phố Mariupol, kéo dài hơn 2 tháng.
Sau khi quân đội Nga giành toàn quyền kiểm soát Mariupol vào cuối tháng 5, trọng tâm của chiến trường chuyển sang khu vực Đông Bắc Donetsk và khu vực phía Tây Luhansk.
Ngày 20/6, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Mariar cho biết, quân đội Ukraine đã mất quyền kiểm soát làng Metokin, gần thành phố Severodonetsk.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết, Nga đang tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho "trận đánh cuối cùng" ở Severodonetsk và Lysychansk. Theo bà, giới lãnh đạo Nga đã đặt thời hạn 26/6 cho lực lượng của họ tiến đến biên giới hành chính của tỉnh Lugansk, hay nói cách khác là kiểm soát cả hai thành phố chiến lược Severodonetsk, Lysychansk.
Severodonetsk và Lysychansk được coi là những chốt chặn cuối cùng của Ukraine nhằm ngăn Nga kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass (gồm 2 tỉnh Lugansk và Donetsk). Nếu chiếm được 2 thành phố này, Nga có thể tạo bàn đạp tiến công ở Donetsk. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, Moscow với ưu thế vượt trội cả về binh sĩ và hỏa lực vẫn chưa thể kiểm soát 2 "pháo đài" này.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang cực kỳ căng thẳng, Mỹ và một số nước phương Tây tuyên bố sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev.
Theo CBS, Nhà Trắng ngày 22/6 (giờ Mỹ) dự kiến sẽ công bố kế hoạch chuyển giao lô vũ khí mới nhất cho Ukraine sớm nhất là vào ngày hôm sau. Trong số này bao gồm đạn bổ sung cho nhiều bộ hệ thống phóng tên lửa và pháo cơ động cao Haimas.
Điều này được hiểu rằng 4 bộ hệ thống phóng tên lửa cơ động cao Haimas do Mỹ viện trợ trước đây đã đến Ukraine, song vẫn chưa được đưa vào thực chiến. Tuần trước, nhóm 60 binh sĩ Ukraine đầu tiên đã hoàn thành khóa huấn luyện vận hành hệ thống phóng tên lửa Haimas dưới sự hướng dẫn của Mỹ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Lambrecht cho biết, Berlin sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine về cách vận hành hệ thống phóng nhiều tên lửa vào đầu tuần tới. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, Đức sẽ chuyển giao 3 bộ bệ phóng tên lửa Mars 2 cho Ukraine.
Ngoài ra, Chính phủ Đức mới đây đã thông báo viện trợ một lô vũ khí và trang bị mới cho Ukraine, bao gồm xe tăng phòng không Cheetah, xe bọc thép M113 và các loại vũ khí hạng nặng khác cùng một số lượng lớn vật tư đạn dược. Tuy nhiên, vì lý do an toàn nên Đức không tiết lộ ngày và lộ trình giao hàng cụ thể.
Trong khi đó, Tham mưu trưởng bộ Quốc phòng Anh Radhakin cho biết tại một cuộc họp Hạ viện rằng, Anh đã cung cấp cho Ukraine số lượng lớn vũ khí. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất vũ khí của ngành công nghiệp quân sự có hạn, sẽ phải mất "vài năm" kho vũ khí của Anh mới trở lại mức trước khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra.
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)