Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc triển khai Nghị định 15 hướng dẫn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% đối với một số mặt hàng, dịch vụ.
Cụ thể, thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí phản ánh nghị định 15 quy định chính sách giảm thuế theo nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều lấn cấn trong quá trình thực thi khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc khi áp dụng.
Doanh nghiệp khó xác định thuế suất VAT áp với nguyên vật liệu đầu vào, thuế VAT với sản phẩm đầu ra; hay khó xác định mã sản phẩm, linh kiện được giảm thuế... khiến người tiêu dùng khó được thụ hưởng, dẫn đến chính sách phục hồi không đạt như kỳ vọng.
Văn phòng Chính phủ cũng cho biết vừa qua có nhận văn bản của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam phản ánh vướng mắc khi thực hiện nghị định 15.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao bộ Tài chính khẩn trương xem xét những kiến nghị, phản ánh vướng mắc của hiệp hội, doanh nghiệp và người dân theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, sớm có hướng dẫn, giải thích kịp thời đảm bảo việc thực hiện nghị định thông suốt, phát huy hiệu quả của chính sách nhà nước trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, Tổng cục Thuế cũng Công điện số 02/CĐ-TCT yêu cầu các cục Thuế địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân và doanh nghiệp triển khai áp dụng chính sách giảm thuế xuống mức 8% theo quy định tại Nghị định 15/NĐ-CP (trừ một số hàng hóa, dịch vụ), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02 đến 31/12/2022.
Bộ Tài chính đánh giá việc giảm thuế có thể khiến ngân sách giảm thu con số lên đến 49.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc làm này là đòn bẩy để kích thích tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn sau đại dịch, hồi phục kinh tế và phát triển kinh doanh, giúp nền kinh tế sớm phục hồi.
Bạch Hiền (t/h)