Đám cưới linh đình ở thôn Vạn Xuân, xã An Hoà, huyện An Lão (Bình Định) với 500 khách mời, nhưng oái ăm thay, đó chỉ là một đám cưới giả, họ nhà trai được đi thuê, còn chú rể là kẻ buôn người đội mặt nạ.
Nhà cha mẹ cô gái Phạm Thị Thi tổ chức đám cưới linh đình cho con gái đã bước qua tuổi ba mươi với hơn 500 khách mời. Ai đến dự cũng đều tấm tắc khen cô dâu ở tuổi này mà còn kiếm được chàng rể vừa đẹp trai vừa hiền lành. Vì khách mời đông nên gia đình tổ chức hai suất, 8h sáng và 12h trưa. Tiệc cưới cứ thế đến tận buổi chiều cùng ngày mới chấm dứt.
Oái ăm thay, khi tiệc cưới tan, khách mời đã về hết, người trong xóm thấy bóng dáng công an xã An Hoà xuất hiện khiến vợ chồng gia chủ cùng người thân tròn xoe con mắt chẳng hiểu vì sao những vị khách thi hành công vụ “không mời mà đến”. Đến khi một anh công an trình bày vụ việc thì cả nhà “ngã ngửa”, trời đất như đổ sụp trước chân. Chú rể được giải giao về công an huyện An Lão, còn cô dâu tội nghiệp ngất xỉu được người thân dìu vào “phòng hoa chúc”.
Cô dâu thuộc hàng có nhan sắc của xóm, bao nhiêu chàng trai theo đuổi nhưng cô vẫn chưa ưng, vì cho rằng họ không chịu làm ăn mà chỉ biết nhậu rồi say xỉn, đánh nhau. Làm Phó bí thư xã đoàn kiêm chân cán bộ phụ trách công tác an sinh xã hội của UBND xã, hàng ngày sau giờ làm việc cô hay lang thang trên mạng chát với bạn bè.
Đầu năm 2014, cô gặp nickname anhchangdeptraichanthat, nhìn qua hình thấy anh chàng khá điển trai, cô kết bạn làm quen. Chàng cũng thích cô bởi cái nickname dễ mến emcanmotbovai. Chuyện tình cảm bắt đầu nảy sinh. Cô gái chân quê ngoài việc làm nơi cơ quan, thời gian còn lại dành chăm người cha bị bệnh tăng xông máu để mẹ làm công việc đồng áng, ban đêm cô “gõ nhịp yêu thương” với chàng trai tự xưng tên Trần Thanh Thảo.
Sau vài tháng quen nhau trên mạng, một buổi chiều anhchangdeptraichanthat xuất hiện ngay tại trụ sở UBND xã nơi cô làm việc. Qua vài câu chào hỏi, Thi dẫn chàng về giới thiệu với gia đình. Bản lý lịch mà anh chàng giới thiệu với nhạc phụ tương lai như sau: tên là Trần Thanh Thảo, con ông Trần Thanh Hùng ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Ngôi nhà đóng cửa im ỉm sau khi bị đám cưới lừa. |
Vì kinh tế khó khăn, cha mẹ anh ta đã đưa nhau sang Lào làm ăn, hiện ở quê nhà chỉ còn lại bà con trong dòng họ. Khi cha mẹ cô gái hỏi thăm thông gia tương lai thì Thảo buồn bã thưa: “Bố con đang bị bệnh ung thư, mẹ mất vì tai biến đã lâu. Bố con từ Lào sang Nhật chữa bệnh thường xuyên, gia đình tốn kém hàng tỉ đồng, và còn tốn hàng tỉ đồng nữa”.
Sau một tuần ở lại thăm chơi, anh chàng xin phép nhạc phụ tương lai đưa vợ chưa cưới đi thăm những người bà con của mình, hẹn một tháng quay lại tổ chức đám cưới, bởi cha anh ta bệnh tình nguy kịch chẳng biết ra đi khi nào, lỡ có bề gì thì mình phải chịu tang cha, đám cưới mất vui. Anh ta còn hứa sẽ cho gia đình nhạc phụ 50 triệu đồng để lo chi phí, cưới xong sẽ đưa cô dâu sang Lào ra mắt cha già.
Cạnh nhà cô gái có vợ chồng người cô ruột cũng thường sang chơi, nghe cháu gái khoe mình sắp lấy chồng. Bà chuyện trò với cháu rể tương lai nói giọng lớ lớ: “Con làm ăn lớn lắm cô Tư ạ, từ Việt Nam đi nước ngoài như đi chợ, làm ăn lớn với đối tác thì phải có uy tín…”.
Bà nhìn xoáy sâu vào con mắt và hồ nghi “ngay cả việc lên thăm người yêu với quãng đường chỉ vài chục cây số mà bắt xe buýt đi đỡ tốn tiền, sao gọi làm ăn lớn?”. Có lần bà sang nhà nói với vợ chồng anh chị: “Tôi thấy thằng này không thật, anh chị và cháu hết sức cảnh giác”. Những lời khuyên ấy bị bỏ ngoài tai.
Đúng hẹn, một chiếc ô tô chở gia đình họ nhà trai chỉ có 3 người đến dự lễ vu quy. Bước xuống xe là chàng rể rất bảnh trai. Cô dâu trong tà áo cưới cùng cha mẹ mình ra đón chú rể nụ cười tươi như hoa. Khách mời gần xa lần lượt đến trong ngày vui. Sau những thủ tục lễ nghi, đến phần tiệc tùng, cậu ruột của cô dâu đến chúc mừng chú rể, rồi hỏi một vài địa danh ở Phù Cát, nhưng chú rể trả lời ú ớ.
Cô nạn nhân cho hay đã có linh tính về sự việc. |
Thấy có biểu hiện không bình thường, người chú “trổ tài thám tử”. Đám cưới xong, chú rể ở lại nhà cô dâu, còn họ “nhà trai” đi về. Ngay lập tức, ông cùng vài người thân trong gia đình chạy xe máy bám theo. Khi đến huyện Phù Cát, những người “nhà trai” xuống một quán nước rồi… chia tiền, nghe một người đàn ông buột miệng nói: “Nhà cô dâu đàng hoàng, tử tế thế sao để cho cái thằng này nó lừa tội thiệt”.
Người nhà cô dâu ập vào, yêu cầu “phía nhà trai” khai thật, nếu không sẽ đi báo công an. Hoảng quá, 3 người đàn ông cho biết họ ở huyện Phù Cát, là “người dưng nước lã” với chú rể, tất cả đang thất nghiệp nên được chú rể thuê 3 triệu đồng để đóng giả phía nhà trai đi cưới vợ cho cháu. Điện báo về, công an xã xuất hiện lập tức.
Qua làm việc với công an, “chú rể” khai tên Trà Thanh Lý (38 tuổi) ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã có gia đình một vợ hai con, chuyên lên mạng làm quen với những cô gái quê, lừa làm đám cưới, rồi đem đi bán.
Ngày 1/8, chúng tôi về địa phương tìm hiểu sự việc. Cô ruột cô dâu cho biết: “Trong ngày cưới cháu tôi không có ở nhà, vì đang chăm con gái nằm điều trị bệnh tại bệnh viện đa khoa Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Tôi có gọi điện về nhắc nhở em trai cô dâu giữ gìn tiền mừng cưới của khách cẩn thận, bởi linh tính mách bảo thằng cháu rể này không tử tế.
Đây là bài học cho những cô gái nhẹ dạ, cả tin, yêu nhau vội vàng, không tìm hiểu kỹ. Cháu tôi hồi giờ chưa một lần có mối tình nào vắt vai. Cha mẹ cho ăn học rồi về quê hương làm Phó bí thư xã đoàn kiêm cán bộ phụ trách công tác an sinh xã hội, chẳng hiểu sao lại yêu đương mù quáng, cả tin vào cái thằng mắc dịch để rồi nó phải ôm hận suốt đời”.