(ĐSPL) – “Trong trường hợp anh Tính không thừa nhận đứa trẻ mà chị Sang mang đến là con của mình và cũng không hợp tác trong việc xác định đứa trẻ có phải là con của mình hay không thì chị Sang phải khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án xác định cha cho con của mình”, luật sư Giang Hồng Thanh nhận định.
Liên quan đến sự việc chị Trương Thị Sang (28 tuổi, trú tại số 37 đường Quang Trung, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) bế bé trai 8 tháng tuổi cùng gia đình tới đám cưới để đòi gặp chú rể Tính (trú thôn 3, xã Hòa An, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) để yêu cầu anh nhận trách nhiệm với giọt máu của mình được dư luận quan tâm những ngày qua, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh để tìm hiểu những vấn đề pháp lý phát sinh từ vụ việc.
- Trường hợp bé trai 8 tháng tuổi không phải là con của anh Tính thì việc chị Trương Thị Sang và những thành viên trong gia đình kéo đến đám cưới của anh Tính để ẩu đả khiến toàn bộ hôn trường hỗn loạn, nhiều người sợ bị liên lụy nên đã tháo chạy khỏi đám cưới có được coi là gây rối trật tự công cộng không thưa Luật sư?
Chị Sang và con trai 8 tháng tuổi. |
Theo từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam, trật tự công cộng là trạng thái xã hội có trật tự được hình thành và điều chỉnh bởi các quy tắc, quy phạm nhất định ở những nơi công cộng mà mọi người phải tuân theo.
Trật tự công cộng là một mặt của trật tự, an toàn xã hội và có nội dung bao gồm những quy định chung về trật tự, vệ sinh, văn hóa; sự tuân thủ những quy định của pháp luật và phong tục, tập quán, sinh hoạt được mọi người thừa nhận; tình trạng yên ổn, có trật tự, tôn trọng lẫn nhau trong lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi. Gây rối trật tự công cộng được hiểu ngắn gọn là hành vi làm náo động trật tự ở nơi công cộng.
Việc chị Sang và người nhà ẩu đả, làm hỗn loạn tại nơi tổ chức đám cưới của anh Tính là hành vi vi phạm trật tự công cộng, có thể bị xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự cộng cộng hoặc bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự cộng cộng nếu hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Giang Hồng Thanh. |
- Trường hợp qua giám định ADN, nếu bé trai 8 tháng tuổi đúng là con của của anh Tính và chị Sang, về mặt pháp lý sự việc sẽ được giải quyết thế nào?
Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 có quy định, trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Trong trường hợp anh Tính không thừa nhận đứa trẻ mà chị Sang mang đến là con của mình và cũng không hợp tác trong việc xác định đứa trẻ có phải là con của mình hay không thì chị Sang phải khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án xác định cha cho con của mình.
Sau khi giám định ADN, nếu kết quả xác nhận đứa trẻ là con của anh Tính, anh Tính phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con của mình theo quy định của pháp luật. Đồng thời đứa trẻ cũng được thừa hưởng các quyền khác của con đối với cha như quyền về thừa kế...
- Trường hợp anh Tính kết hôn khi đang có con ngoài giá thú có vi phạm pháp luật không, thưa luật sư?
Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định Những trường hợp cấm kết hôn như sau:
- Người đang có vợ hoặc có chồng;
- Người mất năng lực hành vi dân sự;
- Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
- Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Giữa những người cùng giới
Đối chiếu với quy định trên, việc một người kết hôn khi đang có con ngoài giá thú không phải là hành vi bị cấm. Tuy nhiên pháp luật quy định người nào trốn tránh trách nhiệm với con chưa thành niên, cụ thể là nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Xin chân thành cảm ơn luật sư!
* Tên các nhân vật đã được thay đổi.