Lần đầu tiên, phim Việt hóa được chấp nhận tham dự liên hoan phim Việt Nam. Đây là quyết định thể hiện các nhà chuyên môn dần chấp nhận thể loại phim này. Tuy nhiên, một số người cũng băn khoăn, liệu rằng, đây là bước tiến hay bước thụt lùi đối với nền điện ảnh Việt?
Phim nội lép vế
Vài năm trở lại đây, phim Việt hóa (phim remake) được các hãng phim tư nhân mua bản quyền làm lại khá rầm rộ và đạt nhiều thành công về mặt doanh thu lẫn danh tiếng. Mảng truyền hình, Cô gái xấu xí là bộ phim remake đầu tiên, tạo tiếng vang lớn, không chỉ diễn viên tham gia bộ phim “bỗng dưng” nổi tiếng mà các vấn đề liên quan như nhạc phim, phong cách ăn mặc cũng được khán giả yêu mến,... Tiếp nối, Ngôi nhà hạnh phúc dù nhận nhiều “gạch đá” nhưng sự thành công là không thể gạt bỏ.
Gần đây, hai bộ phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Hai bộ phim luôn đạt rating cao và trở thành đề tài bàn luận trên mạng xã hội. Không quá khi nói rằng, mảng truyền hình, phim Việt hóa đã lấn lướt, thu hút công chúng hơn so với tác phẩm gắn mác phim nội.
Ở mảng chiếu rạp, sức công phá của phim Việt hóa còn mạnh mẽ hơn nhiều. Rất nhiều bộ phim remake ra đời trong thời gian qua đạt doanh thu cao như: Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là sếp, Yêu,... Hiện tại, bộ phim Sắc đẹp ngàn cân dù bị đánh giá là có nhiều “sạn” nhưng các suất chiếu vẫn luôn đông khách. Nhiều dự án phim Việt hóa như: Mối tình đầu của tôi, Ngựa hoang,... cũng đang triển khai, được quảng cáo liên tục và hứa hẹn mang lại nhiều dấu ấn.
Sắc đẹp ngàn cân là phim Việt hóa đang được công chiếu. |
Trong khi đó, nhiều bộ phim nội được công chiếu nhưng không để lại dư vị cho người xem. Hiện, Thảm đỏ và Những người nhiều chuyện là hai bộ phim đang được trình chiếu trên VTV1 nhưng không tạo được sức hút. Trước đây, nhiều bài viết đã phân tích, mổ xẻ những căn bệnh trầm kha của phim Việt như nhàn nhạt, nhàm chán, diễn viên diễn xuất không cảm xúc, bối cảnh không mới lạ, nhạc không hay,... nhưng đến nay phim Việt vẫn chưa có nhiều thay đổi. Trong khi đó, các bộ phim Việt hóa lại phần nào đáp ứng được nhu cầu mới, lạ, đi sâu vào cuộc sống nên được người xem chấp nhận.
Phép thử quan trọng
Phim Việt hóa phát triển là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, nhưng từ trước đến nay, thể loại này vẫn không nhận được ánh nhìn thiện cảm của các chuyên gia. Bởi, họ cho rằng, phim Việt hóa chỉ là sự vay mượn. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới, các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Trung Quốc,... họ cũng mua kịch bản của các quốc gia khác để làm lại. Phim remake cũng được xét là một tác phẩm cải biên, chuyển thể giống như phim có kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học, kịch,...
Còn nhớ, tại Oscar lần thứ 74, bộ phim Mỹ The Departed được làm lại từ Vô gian đạo của Hồng Kông (Trung Quốc) đã giành bốn giải thưởng. Từ điều này cho thấy, không thể gạt bỏ phim remake ra ngoài đời sống nghệ thuật của các quốc gia. Do đó, trong khoảng thời gian dài, thể loại này bị ban tổ chức các liên hoan phim Việt Nam ghẻ lạnh là điều đáng tiếc.
Mới đây, trong buổi họp đầu tiên xúc tiến công tác chuẩn bị cho Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, ban tổ chức bất ngờ thông báo “mở cửa” đối với phim Việt hóa. Trong điều lệ liên hoan phim lần này, ở phần Phim tham dự liên hoan, điều 5 ghi rõ: Phim làm lại từ kịch bản/phim nước ngoài có thể đăng ký tham dự tất cả các chương trình của liên hoan phim; phim được tuyển chọn vào vòng dự thi sẽ được xét các giải thưởng cho cá nhân, trừ giải thưởng cho tác giả kịch bản và giải thưởng dành cho phim. Điều này cho thấy sự hội nhập quốc tế của điện ảnh Việt Nam và Liên hoan phim Việt Nam.
Những năm trở lại, giải thưởng Bông sen Vàng, Bông sen Bạc được trao cho các bộ phim thiên về nghệ thuật. Nhiều bộ phim đạt giải không được khán giả chào đón, thậm chí chưa từng xem hay nghe đến nhưng lại được giới chuyên môn đánh giá cao. Không ít bình luận thẳng thắn cho rằng, giải thưởng này “lệch chuẩn” so với gu thưởng thức của khán giả. Nếu, ban tổ chức không thay đổi thì giải thưởng sẽ trở nên lạc lõng, thiếu sức hút. Dường như nhận ra điều này, ban tổ chức quyết định “mở cửa”, có ánh nhìn khác đối với phim Việt hóa, đây là điều đáng mừng.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất công ty Sena Film cho biết, phương án phim remake được nhiều hãng phim lựa chọn vì kịch bản hay trong nước thiếu. Mặc dù là kịch bản nước ngoài, nhưng khi mua về để phù hợp với bối cảnh và khán giả, các hãng phim luôn phải Việt hóa, thay đổi nhiều so với kịch bản gốc. Thật ra, các bộ phim remake đều có nội dung, diễn viên đã được Việt hóa với rất nhiều tâm huyết và có những giá trị thuần Việt. Phim remake được chấp nhận tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 là điều đáng mừng đối với các êkíp làm lại phim nước ngoài. Bởi, họ được công nhận sự cống hiến về mặt đạo diễn, diễn viên, âm thanh, ánh sáng,...
Diễn viên Diệu Thanh cho rằng, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 “mở cửa” đối với phim Việt hóa là điều đáng mừng nhưng cũng là điều đáng suy ngẫm và lo lắng cho phim nội địa. Phim nội địa bị lép vế so với phim remake là có thật, nếu các giải thưởng quan trọng, thể loại phim này đều “ẵm” hết thì lại càng chứng minh rõ phim “nội địa” đang bị thụt lùi. Kết quả giải thưởng vẫn còn ở tương lai, nhưng sẽ là một phép thử quan trọng về cách nhìn đối với các nhà làm phim cũng như khán giả.
Huy Cường
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 33