Chặng đường gần 30 năm tìm kiếm vẻ đẹp đại diện quốc gia đã mang đến cho nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Vĩnh nhiều trải nghiệm khó quên. Trong cuộc trò chuyện với báo ĐS&PL, anh đã có những chia sẻ thẳng thắn và chân thành về những câu chuyện ở hậu trường.
Cơ duyên nào đã đưa anh đến với các cuộc thi sắc đẹp?
Tôi học báo viết, nhưng vốn say mê nhiếp ảnh và bắt đầu cầm máy từ hội thi Người đẹp báo Tiền Phong (1988). Đây là chương trình tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam ngày nay. Lúc ấy, người tôi cao chưa tới sân khấu, phải kiễng chân tập chụp bằng chiếc máy cũ bố cho. Mãi đến thời hoa hậu Thu Thủy đăng quang năm 1994, ảnh của tôi mới chính thức được đăng báo.
Bố tôi - nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam là một trong những người “cầm cân nảy mực” của cuộc thi hoa hậu thời kỳ đầu. Ông là người biết phát hiện và khai phá cái đẹp của thiếu nữ Việt. Trước đây, ông từng đích thân đi đến mọi ngõ xóm, trường học, huyện ủy để vận động các thiếu nữ đi thi hoa hậu với mong muốn họ được tỏa sáng. Những chia sẻ và hành động tâm huyết với vẻ đẹp con người của ông đã trở thành nguồn cảm hứng và động lực giúp tôi theo nghề.
Nhiếp ảnh gia Hồng Vĩnh đã có 30 năm gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. |
Vị trí nhiếp ảnh tại một cuộc thi sắc đẹp lớn như Hoa hậu Việt Nam, chắc hẳn anh phải chịu rất nhiều áp lực?
Có lẽ được theo nghề mình thích chính là thuận lợi lớn nhất của tôi. May mắn hơn, khi mới vào nghề, tôi không phải chịu bất kỳ áp lực nào đến từ sự cạnh tranh, tiền bạc hay năng suất công việc. Về mặt bất lợi, theo tôi, vì mình chụp người đẹp nên các bức ảnh cũng phải chất lượng hơn, tuy nhiên nhiều khi thiết bị tác nghiệp và yếu tố thời gian, không gian không cho phép. Ngoài ra, nghề này cũng rất vất vả. Có lần, ê-kíp của tôi theo chân các thí sinh thi hoa hậu để chụp hình, mọi người phải dậy từ 3-4h sáng và đến khi xong việc thì đều nằm ngủ la liệt ngoài sân vì kiệt sức.
Trong thời gian gắn bó với các cuộc thi hoa hậu, anh ấn tượng với hoa hậu/người đẹp nào nhất? Vì sao?
Trong hành trình tìm kiếm Hoa hậu Việt Nam nhiều năm nay, tôi luôn là người được tiếp cận trực diện với họ từ ngay vòng casting đến đêm chung kết. Vì vậy, tôi luôn quan sát kỹ lưỡng và nhiều năm đoán người giành ngôi vị cao nhất. Ví dụ như năm 2012, khi tôi chụp thí sinh trong buổi ghi hình áo tắm ở một resort Đà Nẵng, một người đã lọt vào ống kính của tôi. Đó là cô gái nhỏ nhắn, có làn da trắng sáng, tuy nhiên không quá xuất sắc. Tôi chỉ ấn tượng cô ấy vì gương mặt thanh tú, đôi mắt sáng và nán lại chụp kỹ hơn khi cô này chơi đùa với làn nước, phong thái rất tự nhiên. Sau này, ban giám khảo có hỏi nhận định của tôi về thí sinh tiềm năng, tôi đã đề xuất cô ấy vì thực sự có thiện cảm mạnh mẽ. Và cuối cùng, như tôi đã dự đoán, cô gái đó đăng quang và chính là hoa hậu Đặng Thu Thảo.
Câu chuyện “dao kéo” đã từng gây nên những lùm xùm tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Bản thân anh ủng hộ vẻ đẹp nhân tạo hay tự nhiên?
Theo thời gian, quy chế thi đã có nhiều đổi mới và ngày càng khắt khe hơn, nhất là đối với phẫu thuật thẩm mỹ. Dù việc can thiệp dao kéo này nhằm mục đích tích cực, bởi cô gái nào cũng muốn có nhan sắc như ý, nhưng hoa hậu buộc phải sở hữu vẻ đẹp hoàn toàn tự nhiên. Để hưởng ứng điều này, sắp tới, tôi cũng sẽ đề xuất ý tưởng “Người đẹp tự nhiên và ảnh đẹp không photoshop” với ban giám khảo nhân kỷ niệm 30 năm cuộc thi được tổ chức.
Hoa hậu Kỳ Duyên. |
Dù tuyển chọn rất gắt gao, nhưng sau khi đăng quang, nhiều hoa hậu vẫn vướng vào scandal, ảnh hưởng tới hình tượng “quốc sắc thiên hương”. Quan điểm của anh về vấn đề này là gì?
Thật sự, đó là những câu chuyện đáng tiếc! Đối với Kỳ Duyên, tôi cảm nhận em ấy là một thí sinh rất hiền lành, trong sáng và có thành tích. Ở Duyên hội tụ nhiều yếu tố xứng đáng với danh hiệu em ấy đạt được. Theo tôi, những scandal này có thể do ngoại cảnh tác động và một phần do Duyên còn trẻ nên chưa thích nghi được với việc trở thành người của công chúng quá nhanh.
Còn về Mai Phương Thúy, tôi cho rằng, cô ấy là hoa hậu có những hoạt động xã hội, từ thiện rất tốt sau khi đăng quang. Chúng ta nên nhìn vào những việc Thúy làm được hơn là những chuyện cá nhân bị đồn đoán.
Nói chung, hoa hậu luôn phải gánh vác trách nhiệm đại diện cho quốc sắc. Họ buộc phải chịu đựng sức ép dư luận và giữ hình tượng trước công chúng, nhưng bù lại hoa hậu nổi tiếng và được hưởng nhiều ưu tiên khác. Tôi nghĩ, mọi thứ luôn có giá của nó và nếu họ biết hài hòa thì cái lợi sẽ nhiều hơn.
Anh có thể chia sẻ về những câu chuyện oái oăm, dở khóc dở cười khi làm việc trong ê-kíp các cuộc thi hoa hậu?
Đêm đăng quang của hoa hậu có lẽ là khoảnh khắc khó khăn nhất đối với nhiếp ảnh gia. Vì giờ khắc ấy chỉ xảy ra trong phút chốc và tôi phải nắm bắt từng giây. Năm 2004, vương miện Hoa hậu thuộc về Nguyễn Thị Huyền. Sân khấu đêm chung kết năm đó rất lớn, an ninh cũng rất chặt, khán giả và ê-kíp quá đông người, rất khó để lấy góc máy đẹp. Lúc ấy, tôi đành liều chạy lên sân khấu, dù bị ba bốn anh bảo vệ đuổi theo giằng tay áo. Nhưng, tôi vẫn phải lao lên sân khấu vì đây là cách duy nhất để bắt được cận cảnh nét rạng ngời của Nguyễn Thị Huyền. Bức ảnh hoa hậu đăng quang, giơ cao quyền trượng quý phái đã trở thành một trong số các tác phẩm tôi tâm đắc nhất.
Lần khác, tôi hợp tác với Hoa hậu Ngọc Khánh (đăng quang năm 1998) trong bộ ảnh làm bìa cho báo Tiền Phong. Chúng tôi chụp trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội và đã bị người dân vây kín, vì nhận ra cô hoa hậu xinh đẹp. Chúng tôi phải mất vài giờ đồng hồ mới thoát khỏi đám đông và hoàn thành bộ ảnh.
Anh hãy chia sẻ đôi chút về các hoạt động sắp tới của mình?
Tôi sẽ tiếp tục tham gia ban giám khảo và đảm nhận hình ảnh cho các cuộc thi sắc đẹp từ Hoa hậu Việt Nam đến Duyên dáng Việt Nam, Miss Teen,... Ngoài ra, tôi hy vọng sẽ có cơ hội tổ chức triểm lãm Hương sắc Việt. Đây là bộ sưu tập các bức ảnh chụp người mẫu, hoa hậu 30 năm về trước do tôi và bố thực hiện. Đây sẽ là hoạt động để hoài cổ những ký ức cũ và cho mọi người thấy cái nhìn toàn cảnh về Hoa hậu Việt Nam từ lúc sơ khai.
Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!
Tú Anh
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 33