+Aa-
    Zalo

    Phiên tòa xét xử 100 bị cáo trong vụ mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng lớn nhất từ trước tới nay

    (ĐS&PL) - Sáng nay 19/12, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 100 bị cáo trong vụ án mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (VAT). Phiên tòa dự kiến diễn ra trong vòng 10 ngày (từ 19/12 đến 29/12/2023).

    Tờ Công lý đưa tin, tại phiên tòa xét xử ngày 19/12, 100 bị cáo trong vụ án bị truy tố và đưa ra xét xử về các tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

    Trong đó có 30 người bị truy tố tội trốn thuế, 68 người bị truy tố tội mua bán trái phép hóa đơn. Hai người còn lại bị truy tố các tội mua bán trái phép hóa đơn; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; trốn thuế.

    Đáng chú ý, có tới 68 bị cáo trước khi bị khởi tố là tổng giám đốc, giám đốc các công ty; hàng chục bị cáo là phó giám đốc, kế toán. Số còn lại là nhân viên và lao động, kinh doanh tự do.

    phien toa xet xu 100 bi cao trong vu mua ban trai phep hoa don gia tri gia tang lon nhat tu truoc toi nay2
    Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Thanh niên.

    Theo thông báo Chủ tọa công bố, trong phiên tòa sáng nay có 34 bị cáo có mặt, 66 bị cáo có đơn xin vắng mặt một số ngày xét xử. Trong 22 người có quyền và nghĩa vụ liên quan thì chỉ có 1 người có mặt tại tòa.

    Nguồn tin cho biết, do số bị cáo trong vụ án đông nên trong ngày đầu xét xử, HĐXX tập trung vào phần kiểm tra căn cước và công bố bản cáo trạng truy tố đối với 100 bị cáo.

    Theo báo Thanh niên, hồ sơ vụ án thể hiện, cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn VAT là bị cáo Nguyễn Minh Tú (30 tuổi, trú TP.HCM), lao động tự do.

    Thông qua người khác, bị cáo Tú mua 646 doanh nghiệp dưới hình thức trực tuyến, với chi phí 50 - 60 triệu đồng/doanh nghiệp. Sau đó, "đàn em" của Tú tự kê, khai khống doanh số mua vào, khai giảm doanh số hóa đơn bán ra tại tờ khai thuế điện tử trong các kỳ quyết toán thuế.

    Lợi dụng mạng xã hội, Tú thiết lập mạng lưới trung gian (F1) để bán hóa đơn VAT. Tú còn mua 6 công ty tài chính, giao cho người khác quản lý, nhằm hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn VAT đã bán gồm: Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính Quốc Hùng, Công ty TNHH Tư vấn tài chính Viết Thanh, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Vương Phát, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Trần Khoa, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải nhiên liệu Trí Tài và Công ty Tài chính Hùng Cường, giao cho Võ Tấn Lộc (SN 1997, trú tại TP. Hồ Chí Minh) quản lý và thực hiện hợp thức thủ tục thanh toán.

    phien toa xet xu 100 bi cao trong vu mua ban trai phep hoa don gia tri gia tang lon nhat tu truoc toi nay3
    Thời điểm phát hiện đường dây, lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra các con dấu giả bị thu giữ.
    Ảnh: Thanh niên.

    Tú còn chỉ đạo đàn em sử dụng sim rác để đăng ký ứng dụng internet banking, chuyển tiền qua lại với các trung gian và tài khoản doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn khống. Mục đích là ngụy tạo giao dịch, coi như hoàn thành thanh toán.

    Bằng thủ đoạn tinh vi, Tú đã thực hiện hành vi trong thời gian dài. Đường dây của Tú bị phát hiện vào tháng 10/2022, khi Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện một công ty trên địa bàn mua 31 hóa đơn VAT khống, với tổng giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn là 8,7 tỷ đồng.

    Sau khi phát hiện việc làm của Tú, cơ quan điều tra đã mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định từ tháng 12/2020 - tháng 10/2022, Tú và đồng phạm đã bán hơn 1 triệu hóa đơn VAT khống cho hơn 88.000 doanh nghiệp, tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng.

    Khi triệt phá đường dây này, Công an tỉnh Phú Thọ nhận định đây là chuyên án về mua bán hóa đơn VAT có doanh số lớn nhất cả nước từ trước đến nay. Với mỗi hóa đơn, Tú hưởng lợi từ 0,7 - 1,5% doanh số. Tính theo tổng số hóa đơn đã bán, Tú bị cáo buộc thu về hơn 294 tỷ đồng.

    Bên cạnh đó, Tú còn đặt mua qua mạng internet 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng) nhằm tạo dựng khống các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên hóa đơn.

    Cũng liên quan vụ án, cơ quan tố tụng còn xác định hàng loạt doanh nghiệp thu mua nguyên liệu sản xuất từ các cơ sở nhỏ lẻ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không thể quyết toán thuế.

    Vì vậy, các bị cáo là giám đốc những doanh nghiệp này đã tìm đến bị cáo Nguyễn Minh Tú và các trung gian, hòng "rửa" hóa đơn.

    Kết quả điều tra cho thấy, tổng số hóa đơn VAT khống mà 30 bị cáo mua là 3.531 hóa đơn, từ đó trốn thuế với tổng số tiền 235 tỷ đồng.

    Liên quan tới vụ án này, Cơ quan điều tra đã truy ra hàng loạt doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã có hành vi mua bán trái phép hóa đơn; nhiều lãnh đạo, nhân viên thuộc các doanh nghiệp này đã bị khởi tố, truy tố về các tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Trốn thuế”.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phien-toa-xet-xu-100-bi-cao-trong-vu-mua-ban-trai-phep-hoa-don-gia-tri-gia-tang-lon-nhat-tu-truoc-toi-nay-a604051.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan