Tình thế cam go
Hôm nay (6/12), SkyNews dẫn lời đại diện phiến quân nổi dậy ở Tây Bắc Syria xác nhận các tay súng do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào Homs, thành phố lớn thứ ba của Syria, nơi có tầm quan trọng chiến lược để kiểm soát khu vực miền Trung nước này.
Các nguồn giám sát và tin tức địa phương cho biết, phe nổi dậy đã tiến tới thành phố Rastan, nằm trên đường đến Homs. Điểm dân cư này là trung tâm giao thông quan trọng kết nối Homs với thành phố Hama, nơi đã bị phiến quân chiếm giữ trước đó.
Rastan là khu vực có lợi về mặt chiến lược. Một bên được bảo vệ bởi sông Asi, còn bên kia là một hồ chứa rộng lớn, khiến nơi đây trở thành phòng tuyến quan trọng.
Lực lượng phiến quân đang thể hiện mức độ phối hợp và cơ động cao, làm dấy lên lo ngại về khả năng tổ chức kháng cự hiệu quả của quân đội Syria. Nếu mất Rastan, nhiệm vụ phòng thủ của Homs có thể trở nên hết sức phức tạp.
Nếu kiểm soát được Homs, phiến quân sẽ không chỉ có quyền tiếp cận các tuyến đường cao tốc chiến lược nối miền Bắc và miền Nam Syria, mà còn có thể đe dọa bờ biển Địa Trung Hải, nơi đặt các cơ sở quân sự quan trọng của Nga - gồm cảng Tartus và căn cứ không quân Khmeimim.
Khoảng cách từ Homs đến bờ biển chưa đến 80 km và việc mất quyền kiểm soát khu vực này có thể gây nguy hiểm cho sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria.
HTS từng có liên hệ mật thiết với nhóm khủng bố khét tiếng al-Qaeda và thủ lĩnh HTS bị Mỹ đưa vào danh sách khủng bố.
Trước đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) thông tin, giao tranh ác liệt đã nổ ra ngày 5/12 giữa lực lượng quân đội Syria và phiến quân Hồi giáo quanh thành phố Hama. Từ tối 4/12, các tay súng nổi dậy đã bao vây thành phố Hama từ ba hướng.
Đối mặt với tình hình giao tranh leo thang và số lượng thương vong gia tăng, quân đội Syria đã phải tái triển khai, tái bố trí các đơn vị của mình. Quyết định này được đưa ra nhằm bảo vệ tính mạng của dân thường và không để họ bị lôi kéo vào các cuộc giao tranh.
Quân đội Syria đánh giá các tay súng phiến quân cũng đã chịu tổn thất nặng nề về quân số, đồng thời khẳng định rằng các binh sĩ Syria sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc gia để giành lại các khu vực bị các tổ chức khủng bố chiếm đóng.
Trong khi đó, truyền thông khu vực cho biết, quân đội Syria đã rút khá nhanh chóng khỏi Hama và bỏ lại nhiều khí tài. Hình ảnh do phiến quân công bố cho thấy họ đã chiếm được xe tăng T-90, tên lửa phòng không Pantsir-S1, nhiều vũ khí cá nhân và một đài radar Podlet-K1 chuyên làm nhiệm vụ cảnh giới cho tên lửa S-300/S-400 ở Aleppo và Hama.
Tổ chức SOHR chuyên giám sát tình hình xung đột ở Syria cho biết, tình hình ở Homs hiện nay khá hỗn loạn. Theo thống kê, 704 người, phần lớn là lực lượng tham chiến và 110 dân thường, đã thiệt mạng ở Syria kể từ khi bạo lực bùng phát tuần trước.
Theo Liên Hợp Quốc, 115.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở Idlib và phía Bắc Aleppo do giao tranh.
Syria cầu viện Nga và Iran
Chia sẻ trên Newsweek, ông Vuk Vuksanovic, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu LSE IDEAS cho rằng: “Trong 6 đến 7 năm qua, chính quyền Tổng thống Assad có lẽ đã không chuẩn bị đối phó với tình huống này. Nhiều khả năng, họ sẽ tiếp tục chịu tổn thất và phải trông chờ vào sự giúp đỡ của Nga, Iran. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của 2 quốc gia này đối với Syria ở thời điểm hiện tại có thể bị hạn chế đáng kể so với giai đoạn trước”.
Iran là một trong những đồng minh chủ chốt trong khu vực. Song hiện tại, các cuộc tấn công của nhóm Hayat Tahrir al-Sham trùng với thời điểm Israel đang nỗ lực làm suy yếu "Trục kháng chiến" của Iran. Về phần mình, Tehran tuyên bố sẵn sàng đáp trả các hành động gây hấn của Israel.
Trong khi đó, Nga – một nước ủng hộ chủ chốt đối với Syria, đang phải đối phó với cuộc xung đột tại Ukraine. Nga đã hỗ trợ quân đội nước này tiến hành các cuộc không kích vào Aleppo và Idlib nhưng Moscow có thể không đủ khả năng cung cấp cho Syria máy bay, thiết bị quân sự hạng nặng và nhân lực như thời điểm cách đây 8 năm.
“Cuộc xung đột kéo dài hơn 1.000 ngày ở Ukraine khiến ông Putin không còn cơ hội mở rộng sự hỗ trợ nữa. Nga hiện đang dần cạn kiệt nguồn lực", Giáo sư khoa học chính trị Aurélien Colson, tại Trường Kinh doanh ESSEC nhận định.
Ngyaf 5/12, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rằng Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình Syria, thường xuyên liên lạc với chính quyền Syria và đang đánh giá tình hình sau đó sẽ quyết định mức độ hỗ trợ chính quyền Syria đối phó với phiến quân và loại bỏ mối đe dọa.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này đang hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các đối tác khu vực, đồng thời cho biết các biện pháp ổn định tình hình đang được thực hiện. Người phát ngôn này cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cam kết với các thỏa thuận đã đạt được.