Theo thông tin trên CNN, ngày 14/5 (giờ địa phương), nhiệt độ cao hàng ngày tại một số địa điểm tai khu vực Tây Bắc nước Mỹ ven Thái Bình Dương đã phá kỷ lục. Tiêu biểu, thành phố Hoquiam (Washington) ghi nhận mức nhiệt 32,7 độ C, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất mọi thời đại trong tháng 5.
Trong khi đó, nhiệt độ tại thành phố Quillayute (Washington) là 33,3 độ C - mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng 5. Thành phố Eugene và Portland ở bang Oregon ghi nhận nhiệt độ lần lượt là 34,4 độ C và 33,3 độ C. Tại Sân bay Quốc tế Seattle-Tacoma, nhiệt độ cũng đạt mức 31,6 độ C.
Ngày 15/5, Văn phòng Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) tại thành phố Seattle cho biết: “Hôm nay sẽ là ngày thứ 4 liên tiếp Seattle trải qua mức nhiệt cao trên 26,6 độ C. Điều này sẽ đánh dấu kỷ lục nhiều ngày liên tiếp trên 26,6 độ C nhất trong tháng 5”.
Được biết, nhiệt độ cao nhất thường thấy ở Seattle vào cuối tháng 7 là khoảng 26,1 độ C. Như vậy, nhiệt độ ghi nhận những ngày gần đây cao hơn nhiều so với mức nhiệt cao thường thấy trong những ngày nóng nực của mùa hè.
Nhiều người ở khu vực Tây Bắc nước Mỹ ven Thái Bình Dương không có điều hòa, thêm vào đó nhiệt độ ban đêm vốn thấp cũng tăng lên, cơ thể không thể dễ dàng phục hồi sau thời tiết nắng nóng ban ngày. Điều này dấy lên cảnh báo nhiệt cho hơn 10 triệu người trên khắp khu vực Tây Bắc nước Mỹ ven biển Thái Bình Dương và một phần của bang California.
Tình trạng thời tiết rất giống với mô hình thời tiết được thấy vào giữa mùa hè tại khu vực. Một vòm áp suất cao lớn đang bao trùm Tây Bắc, tạo điều kiện cho gió khô từ trên núi thổi xuống, khiến nhiệt độ tăng vọt trên mức trung bình.
Khi sức nóng tiếp tục gia tăng trong tuần này, gần 150 kỷ lục nhiệt độ cao ở khu vực miền Tây nước Mỹ có thể bị phá vỡ. Sức nóng sẽ lan rộng hơn về phía Đông trong suốt cả tuần nhưng phía Tây vẫn là nơi đón nhiệt độ gay gắt nhất. Nhiệt độ đang cao hơn bình thường từ 20 - 30 độ C trên khắp khu vực Tây Bắc nước Mỹ ven biển Thái Bình Dương.
“Nói một cách dễ hiểu, nhiệt độ cao sẽ gần đạt mức kỷ lục mỗi ngày. Nhiệt độ cao như vậy sẽ làm tăng lượng tuyết tan ở vùng núi. Các dòng sống chính lấy nguồn nước từ băng tuyết sẽ dâng cao, chảy xiết và lạnh giá”, dịch vụ thời tiết tại Boise (Idaho) cho biết.
Văn phòng Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ ở phía Tây đang kêu gọi người dân tránh xa nước và tìm những cách giải nhiệt khác. Nhiệt độ nước tại nhiều nơi trong khu vực đang ở mức 10 độ C, đủ để gây sốc nước lạnh và tăng thân nhiệt.
Thời tiết nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ mà còn tác động cực đoan hơn trên khắp các khu vực phía Tây của Canada. Một số thành phố ở British Columbia lập kỷ lục mới về nhiệt độ của tháng vào ngày 14/5, đứng đầu là Lytoon với 36,1 độ C.
Cơ quan Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada đã ban hành cảnh báo nhiệt độ đối với các khu vực phía Bắc của Alberta và các khu vực của British Columbia, nơi nhiệt độ cao được dự báo sẽ đạt đến 26,6 độ C. Nhiệt độ tại đây đang cao hơn bình thường từ 15 - 25 độ C nên cơ quan thời tiết Canada khuyến khích người dân hủy bỏ các kế hoạch ngoài trời không cần thiết để tránh nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt.
Thời tiết nắng nóng cũng tác động rất lớn đến thời điểm đầu mùa cháy rừng ở Canada. Riêng Alberta đã ghi nhận 89 đám cháy rừng, thiêu rụi 1,3 triệu mẫu Anh (khoảng 5260,9 km2) trong năm nay. Tuy nhiên, một tin vui là trong khi nhiệt độ gia tăng có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ hàng ngày, tình trạng nắng nóng dự kiến sẽ không đạt đến mức như khi xảy ra hiện tượng vòm nhiệt hồi cuối tháng 6/2021.
Đinh Kim(Theo CNN)