Bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi hai anh em Tuấn lớn khôn. Nhưng từ ngày lên cửa khẩu Tân Thanh làm cửu vạn, những đêm thức trắng bốc hàng đã khiến một thanh niên chăm chỉ, biết kiếm tiền phụ mẹ như Tuấn dần thay đổi. Bài bạc và ma túy là con đường ngắn nhất đưa Tuấn đến trại giam. Từ ngày vào trại giam, Tuấn mới nhận thức được rằng “có làm thì mới có ăn” và ước mơ sau này ra trại sẽ đi làm đầu bếp.
Lạc lối...
Gặp Nguyễn Văn Tuấn, SN 1977, trú tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn ở trại giam Nam Hà, đập vào mắt chúng tôi là một người đàn ông có vóc dáng nhỏ con nhưng khuôn mặt già dặn, từng trải.
Hai năm trước, Tuấn là một con nghiện có thâm niên, bị bắt vì mua bán ma túy. Tuấn bị kết án 8 năm tù. Tuấn sinh ra trong một gia đình lao động, sớm chịu thiệt thòi vì bố mất sớm. Mẹ ở vậy nuôi anh em Tuấn lớn khôn. Thương mẹ vất vả, gầy còm, ngày ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp, ai thuê gì chở đó nên anh em Tuấn rất biết bảo ban nhau.
Tuy nhiên, vì gia đình quá hoàn cảnh nên Tuấn chưa một lần được cắp sách tới trường. Anh trai Tuấn may mắn hơn được mẹ cho đi học nhưng cũng chỉ tới lớp 3 là nghỉ. Rồi thời gian nghèo khó cũng dần qua đi khi anh em Tuấn lớn khôn, trưởng thành và biết đi làm thuê kiếm tiền. Nơi cả hai anh em chọn để lập nghiệp chính là cửa khẩu Tân Thanh.
Phạm nhân Nguyễn Văn Tuấn đang cùng anh em trong đội chuẩn bị bữa cơm cho các phạm nhân. |
Tuổi trẻ lại có sức vóc nên anh em Tuấn làm không hết việc. Trừ chi phí ăn uống ra, mỗi tháng cả hai cũng dành dụm được một khoản tiền kha khá gửi về cho mẹ. Biến cố xảy ra khi anh trai lấy vợ, hai người quyết định về chợ Đồng Đăng thuê cửa hàng bán quần áo.
Thời gian đầu Tuấn là người đưa hàng cho anh chị nhưng sau đó vì nhiều lý do tế nhị và cũng vì muốn tách làm ăn riêng nên Tuấn ở lại Tân Thanh lao động. Những lần về nhà thăm mẹ cũng không còn được thường xuyên như trước nữa, nhất là kể từ khi Tuấn tham gia vào đường dây vác hàng lậu qua biên giới, thường phải làm việc vào ban đêm.
“Vì thức đêm đón hàng nên tôi biết đánh bài bạc và ma túy”, Tuấn cho biết. Người đàn ông này bảo, ngày mới sử dụng ma túy, chỉ nghĩ đơn giản là chơi để thức khuya và cũng để có sức khỏe vác hàng, đâu ngờ mắc nghiện. Tiền làm ra không đủ để thỏa mãn cơn nghiện của bản thân nhưng vì sợ mẹ buồn nên Tuấn cố bám trụ lại mảnh đất vùng biên giới cho đến cuối năm 2010, do sức khỏe giảm sút nên mới quay về Chi Lăng.
Không có tiền để chơi ma túy, Tuấn bỏ ra thành phố Lạng Sơn, sống vật vờ ở chợ Bờ Sông. Hàng ngày anh ta đi mua ma túy về chia lẻ bán cho những kẻ cũng nghiện ngập như mình để có tiền sinh sống và thỏa mãn cơn nghiện.
Một ngày giữa tháng 8/2015, khi Tuấn đang bán lẻ ma túy cho các con nghiện ở khu vực ngã tư đường Nguyễn Tri Phương, thuộc địa phận phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn thì bị tổ công tác Đội cảnh sát điều tra về ma túy CA TP. Lạng Sơn bắt quả tang. Với hành vi này, Nguyễn Văn Tuấn bị kết án 8 năm tù.
Và ước mơ làm một đầu bếp
Về trại giam Nam Hà cải tạo, do nhanh nhẹn nên Tuấn được phân công về đội bếp lao động. Công việc của Tuấn là nhặt rau, vo gạo rỗi phụ việc bưng bê dụng cụ đựng cơm, thức ăn cho các phạm nhân trong phân trại. Việc chia khẩu phần ăn và đưa đến cho các phạm nhân đã có bộ phận khác thực hiện. Việc của Tuấn chỉ là trong khu vực bếp.
Từ một con nghiện ma túy nặng trong thời gian tạm giam để điều tra mà cắt được cơn nghiện, khi vào trại cải tạo, do ăn uống và làm việc đúng giờ giấc nên sức khỏe dần bình phục. Tuấn bảo đôi khi ảo giác về ma túy vẫn còn nhưng điều đó chỉ xảy ra vào những đêm mộng mị do mệt mỏi còn thì hầu như đêm nào anh ta cũng ngủ ngon.
Hỏi về dự định ngày ra trại, Tuấn cười cười: “Tôi mong muốn sau này ra trại làm một đầu bếp”. Lý giải về điều này, Tuấn bảo vì ngày còn ở nhà chưa từng nấu cho mẹ một bữa cơm ngon. Đến lúc biết làm ra tiền thì cũng chỉ biết dành dụm gửi về bảo mẹ ăn uống tẩm bổ. “Tôi may mắn được lao động ở đội bếp, được biết đến việc thế nào là nấu một bữa cơm nên mong muốn sau này ra trại có điều kiện đi học thêm về nghề này nữa. Tôi xác định sẽ sống bằng nghề đầu bếp”, Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Chưa từng một lần vào bếp giúp mẹ chuyện cơm nước nhưng từ khi vào tù, những ngày lao động ở đội bếp đã khiến Tuấn suy nghĩ khác hẳn. Chỉ làm những công việc đơn thuần như nhặt rau, vo gạo, dọn rửa nhưng thái độ chuyên tâm, chăm chú của những phạm nhân cùng đội khi pha chế thức ăn và nấu nướng đã tác động không nhỏ đến nhận thức của Tuấn.
Tuấn bảo khi nhìn mọi người thao tác những công đoạn chuẩn bị cho một món ăn như tẩm ướp, Tuấn không nghĩ rằng những công thức rất đỗi bình thường như kiểu “thịt phải có hành, canh phải có mắm” ấy lại là điều bắt buộc phải có.
Từ đó mà Tuấn thấy yêu thích công việc bếp núc và sự chăm học hỏi của Tuân đã giúp anh ta từ một người phụ việc đã có thể đứng bếp, thử tay nghề bắt đầu từ những món ăn đơn giản. Tuấn bảo còn phải học hỏi nhiều hơn nữa vì còn rất nhiều món ăn chưa biết đến, nhưng điều khiến anh ta cảm thấy an ủi là giờ đã có thể nấu nướng một cách ngon lành những món ăn đơn giản, dân dã.
“Tôi mới chỉ nghĩ sẽ làm một món nào đó thật ngon và đặc biệt thay lời xin lỗi mẹ. Từ giờ đến lúc đó, thời gian cũng không còn dài nhưng tôi vẫn phải quyết tâm cải tạo tốt”, Tuấn thành thật.
“Khi nào được về, bữa đầu tiên tôi sẽ tự tay nấu cho cả gia đình một bữa ăn thật ngon, coi như đó là thành ý của tôi để mong mẹ và anh chị tin tưởng, tạo điều kiện để sau này tự lập bằng đúng nghề mà mình yêu thích”, Tuấn nói.
Dường như anh ta đang rất mong chờ điều đó và chúng tôi, cũng chỉ biết cầu chúc cho Tuấn được toại nguyện. Mong sao Tuấn hiểu được những uổng phí của mình trong thời gian đã qua để vượt lên chính mình, không lặp lại sai lầm đó nữa.