+Aa-
    Zalo

    Phía sau lời xin lỗi muộn màng của ông Đinh La Thăng tại tòa án

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Xót xa, ân hận, tiếc nuối... trào dâng trong giây phút đặc biệt ấy không có tội. Và nước mắt trong một phiên tòa không có gì khó hiểu. Tại vụ án Tập đoàn dầu khí Quốc gia

    Xót xa, ân hận, tiếc nuối... trào dâng trong giây phút đặc biệt ấy không có tội. Và nước mắt trong một phiên tòa không có gì khó hiểu. Tại vụ án Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam đang được xét xử, nhiều bị cáo cũng đã bật khóc. Nhưng nước mắt không thể xóa mờ sai phạm.

    Lời xin lỗi dẫu có ngậm ngùi nhưng công – tội vẫn phải phân minh, tình cảm không thể lấn át công lý. Về nội dung này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ luật học, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

    PV: Thưa ông, tại phiên tòa, ông Đinh La Thăng khẳng định trong lãnh đạo, chỉ đạo dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã nôn nóng, quyết liệt vì sức ép tiến độ dẫn đến vi phạm. Sự quyết liệt vì cái chung hay vì lợi ích riêng, lợi ích nhóm cần phải rạch ròi?

    TS. Lưu Bình Nhưỡng: Quyết liệt vì lợi ích chung hay quyết liệt vì mong muốn hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân mình là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đúng là phải rạch ròi giữa vấn đề quyết liệt vì lợi ích chung hay vì cái tôi cá nhân.

    Quyết liệt là tốt nhưng lãnh đạo quyết liệt mà làm sai nguy hiểm hơn nhiều với người không quyết liệt, thiếu năng lực. Không thể biện bạch vì sự năng nổ của mình mà vi phạm. Nếu  mong đây là một tình tiết giảm nhẹ thì sai về nguyên lý. Giữa xử lý vấn đề cá nhân ông Đinh La Thăng và xử lý tập thể, tập đoàn những người liên quan cũng cần rạch ròi và cá thể hóa được vai trò của từng người ở mỗi công đoạn khác nhau để áp dụng pháp luật một cách sát thực.

    Quyết liệt là cần thiết nhưng phải trên cơ sở tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định, chứ không luồn lách cảm tính vào công việc của Nhà nước. Cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước chỉ được hành động theo pháp luật, đúng quy định, khác với doanh nghiệp và công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Trong phẩm chất người cán bộ không nên có sự nôn nóng, quyết liệt vì lợi ích riêng tư.

    Xã hội - Phía sau lời xin lỗi muộn màng của ông Đinh La Thăng tại tòa án

    ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong sự nôn nóng, quyết liệt của ông Đinh La Thăng cần phải rạch ròi giữa vấn đề quyết liệt vì lợi ích chung hay vì cái tôi cá nhân. Ảnh: Dương Thu.

    PV: Xung quanh phiên xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm, dư luận có nhiều luồng ý kiến. Có cả việc bênh vực ông Thăng theo nghĩa muốn “lấn lướt” các sai phạm, lập fanpage để kêu gọi ủng hộ cho ông Thăng trắng án. Không thể cấm đoán cảm xúc của một người, yêu-ghét ai đó là việc cá nhân, nhưng nhiều thông tin nhiễu loạn cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không hề đơn giản, nhất là trên mặt trận tư tưởng?

    TS. Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi, công và tội là hai vấn đề không giống nhau. Nếu thực sự là người có công sẽ được tính tình tiết giảm nhẹ ở Bộ luật Hình sự. Không thể lấy công ở một chỗ nào đó để cho rằng, ông Thăng không có tội ở một vụ án mà ông ấy đã bị quy kết có tội và có đầy đủ chứng cứ về điều này.

    Tôi nghĩ rằng người dân và kể cả các cán bộ phải hết sức tỉnh táo về câu chuyện pháp luật. Muốn kết tội ai hay bênh vực một người nào đó phải có cơ sở pháp lý, có đầy đủ chứng cứ cần thiết và không nên vì cảm xúc cá nhân nhất thời, thậm chí vì mối quan hệ quen biết hoặc sự ràng buộc nào đó để đứng ra kêu gọi kết tội hay xóa tội cho một người.

    Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và chúng ta phải hết sức công bằng. Vì quyền con người là quyền cao nhất được quy định trong Hiến pháp, chúng ta phải tôn trọng quyền này. Pháp luật như một khuôn thước tiêu chuẩn để xem xét, xác định hành vi của con người. Các cơ quan pháp luật sẽ có những biện pháp xử lý đúng người đúng tội, thấu tình đạt lý. Tôi cũng mong muốn cơ quan pháp luật luôn làm tốt công việc đó, không chỉ với vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm.

    Xã hội - Phía sau lời xin lỗi muộn màng của ông Đinh La Thăng tại tòa án (Hình 2).

    Ông Đinh La Thăng nghẹn ngào nói lời xin lỗi tại tòa. (Ảnh: Zing.vn).

    PV: Hệ lụy những sai phạm của ông Đinh La Thăng đã có, nếu ai cũng vin vào gia đình, hoàn cảnh để xin lỗi và được chấp nhận thì sự công bằng, thượng tôn pháp luật sẽ bị ảnh hưởng?

    TS. Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta tôn trọng tất cả mọi người nhưng cũng mong muốn không vì cái tôi, cảm xúc để bất chấp những vấn đề pháp luật và cả vấn đề về đạo lý.

    PV: Dư luận nhân dân đang rất kỳ vọng vào phán quyết của tòa án trong vài ngày tới khi kết thúc xét xử rằng, không bị cảm xúc cá nhân tạo ra án bỏ túi, xử lý hình thức. Những mong muốn này là chính đáng và đòi hỏi cơ quan tư pháp thực thi nghiêm túc?

    TS. Lưu Bình Nhưỡng: Người dân mong muốn hoàn toàn chính đáng và cần được đáp ứng đòi hỏi này. Cán bộ cầm cân nảy mực của tòa án, cơ quan thực hiện quyền tư pháp luôn độc lập, tuân theo pháp luật, tránh không vì chuyện nọ chuyện kia mà bỏ lọt người có tội và xử oan người vô tội. Đây là vấn đề có tính chất nguyên tắc. Như tôi đã nói ở trên là phải tôn trọng quyền con người khi áp dụng pháp luật.

    PV:Xin cảm ơn ông.

    Dương Thu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phia-sau-loi-xin-loi-muon-mang-cua-ong-dinh-la-thang-tai-toa-an-a217038.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan