Ông Đinh La Thăng trong lời nói sau cùng đã đề đạt nguyện vọng xin được tại ngoại. Dưới góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia đã có ý kiến.
Tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng đã xin được tại ngoại, Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX cho được sang Đức với vợ con sau khi kết thúc vụ án. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, trong lời nói sau cùng, việc các bị cáo mong muốn là một chuyện, còn việc HĐXX có cho phép hay không lại phụ thuộc vào quy định pháp luật.
Ông Đinh La Thăng xin tại ngoại trong lời nói sau cùng |
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trong lời nói sau cùng của ông Thăng trước HĐXX, ông Thăng cho rằng hành vi của mình không còn gây nguy hiểm cho xã hội nên ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại.
Theo luật sư Ứng, hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải hiểu theo nghĩa là ông hết chức vụ rồi, không còn chức vụ là không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên cho ông được về.
“Nếu hiểu như vậy là hiểu theo một cách hết sức ấu trĩ. Thế ra với các loại tội phạm khác cũng như vậy à? Những hành vi phạm tội khác, những người khác nữa cũng như vậy. Ra tòa họ cũng nói em hết chức vụ rồi, bây giờ anh bắt em rồi em không còn chức vụ hoặc em không còn khả năng phạm tội nữa thì cho em về. Cái đấy không phải là một lý do, nếu mà lấy lý do đấy thì rất nguy hiểm”, luật sư Ứng chia sẻ.
Cũng theo luật sư Ứng, HĐXX có thẩm quyền cho ông Đinh La Thăng tại ngoại, nhưng trong trường hợp này họ sẽ không cho. Bởi khi HĐXX tuyên án thì có thể xảy ra mấy trường hợp sau đây:
Một là HĐXX trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung. Hai là buộc tội, tuyên một bản án. Nếu do chưa đủ cơ sở, căn cứ hay là cần làm rõ một số tình tiết trong vụ án thì HĐXX có thể trả lại hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, khi trả hồ sơ mà thấy rằng thời hạn tạm giam đã hết, thì lúc này HĐXX có quyền ra quyết định gia hạn tạm giam để tiếp tục trả lại hồ sơ điều tra bổ sung.
Nếu thời hạn tạm giam vẫn còn thì khi HĐXX trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra bổ sung thì lúc ấy VKS sẽ xem xét chứ không phải là do HĐXX. Việc áp dụng biện pháp tại ngoại hay không tại ngoại để phục vụ công tác điều tra sẽ do VKS phê chuẩn.
Tôi cho rằng, trong trường hợp này, HĐXX sẽ không áp dụng biện pháp cho tại ngoại. Lý do cho tại ngoại là không chính đáng. |
Trường hợp thứ hai xảy ra, nếu tòa tuyên bị cáo có tội và xét trong trường hợp này khi tòa tuyên có tội mà thời hạn tạm giam đã hết, khi này HĐXX có thể sử dụng biện pháp tạm giam thay cho tại ngoại.
Ngoài ra, trước câu hỏi ông Đinh La Thăng còn bị khởi tố và xét xử ở một vụ án khác cũng liên quan đến tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cho tại ngoại sẽ ảnh hưởng như thế nào trong việc điều tra xét xử?
Luật sư Ứng cho rằng, nếu ông Thăng được tại ngoại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các vụ án sau. Bởi vì hai vụ án là khác nhau.
Hai vụ án có liên quan đến ông Đinh La Thăng do hai cơ quan điều tra khác nhau, một của cơ quan An ninh điều tra, một của cơ quan Cảnh sát điều tra, VKS tối cao thực hiện việc kiểm sát theo quy định chung.
Luật sư Thuyên và luật sư Ứng. |
Nếu như vụ án này cho ông Đinh La Thăng tại ngoại nhưng ở vụ án sau cơ quan Cảnh sát điều tra thấy quyết định cho tại ngoại ấy có thể ảnh hưởng đến quá trình điều tra hoặc quá trình giải quyết vụ án hoặc bị cáo có thể có điều kiện can thiệp vào vụ án hoặc bị can bị cáo có thể bỏ trốn... thì cơ quan điều tra có quyền bắt tạm giam.
"Trường hợp của ông Đinh La Thăng sẽ khó có thể được tại ngoại vì lý do không thuyết phục ở chỗ: Vụ án hôm nay, đứng trước HĐXX ông là bị cáo, ở vụ án sau ông là tư cách bị can (vì chưa đưa ra xét xử). Ở vụ án sau, cơ quan điều tra vẫn có thể bắt tạm giam mặc dù ở vụ án trước đó ông Thăng đã được cho tại ngoại.
Với những phân tích ở trên, tôi cho rằng, nguyện vọng xin được tại ngoại của ông Đinh La Thăng trong vụ án này rất khó để được HĐXX đồng ý. Đặc biệt với lý do hết nguy hiểm cho xã hội là không thuyết phục", luật sư Ứng chia sẻ.
Luật sư Hoàng Thị Thuyên (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, bị cáo Đinh La Thăng bị khởi tố, truy tố, xét xử theo khoản 3, điều 165 BLHS năm 1999. Theo phân loại tội phạm thì đó là tội đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam được quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Về nguyên tắc, bị cáo Thăng có quyền xin thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang biện pháp Bảo lãnh hoặc Đặt tiền để bảo đảm. Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó để trong giai đoạn này HĐXX chấp nhận thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị cáo tại ngoại. |
Thứ nhất, bị cáo Thăng đang bị xét xử về tội đặc biệt nghiêm trọng theo phân loại tội phạm của bộ luật hình sự, đó là hành vi gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. Hơn nữa, bị cáo Thăng còn là bị can trong vụ án khác cũng bị truy tố về tội đặc biệt nghiêm trọng. Vậy, HĐXX hoàn toàn có thể căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà không cho bị cáo Thăng tại ngoại.
Thứ hai, trong vụ án này, ngoài bị cáo Thăng, còn rất nhiều bị cáo khác cũng bị xét xử về cùng hành vi với bị cáo, đang bị áp dụng biện pháp tạm giam. Nếu HĐXX chấp nhận cho bị cáo Thăng tại ngoại, thì các bị cáo khác có yêu cầu tại ngoại thì HĐXX sẽ xử lý như thế nào?
Ngoài ra, lý do bị cáo đưa ra xin tại ngoại không được quy định trong BLTTHS. Đặc biệt, trong lịch sử tố tụng Việt Nam, việc một người đang bị điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mà không rơi vào các trường hợp không áp dụng biện pháp tạm giam như quy định trên, thì khả năng được tại ngoại là không có.
Xuân Hòa