(ĐSPL) - Việc thử nghiệm mức tiêu thụ nhiêu liệu chỉ áp dụng đại diện một mẫu xe chứng không phải thử nghiệm hết tất cả xe sản xuất, nhập khẩu của mẫu xe đó...
Giá ô tô con sẽ không ảnh hưởng
Mới đây, Bộ Tài chính đã lên tiếng chính thức về dự thảo thông tư quy định phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống vừa được bộ này công bố lấy ý kiến.
Nhắc lại mức phí như trong dự thảo đã đề xuất, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đối với xe ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, mức phí là 16 triệu đồng/phép thử/lần. Đối với xe ô tô sử dụng nhiên liệu diesel, phí thử nghiệm là 16,5 triệu đồng/phép thử/lần.
Tuy nhiên, theo đại diện ngành tài chính, thứ nhất, chỉ “tổ chức, cá nhân có yêu cầu thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống thì phải nộp phí. Điều này cũng đồng nghĩa, phí thử nghiệm không mang tính bắt buộc.
Khoản phí này không thu đối với phương tiện đang sử dụng của người sử dụng, không thu đối với người mua phương tiện; không thu đối với từng phương tiện khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu.
Nếu doanh nghiệp khi thử nghiệm khí thải thì đồng thời cũng có thể yêu cầu cơ quan thử nghiệm cấp thêm kết quả thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu của xe mà không phải tính thêm phí. |
Thứ hai, việc thử nghiệm khí thải (đang áp dụng theo Thông tư số 195/2011/TT-BTC) đồng thời cho kết quả về mức tiêu thụ nhiên liệu. Trường hợp yêu cầu thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu cùng với thử nghiệm khí thải phương tiện thì người yêu cầu thử nghiệm chỉ phải nộp một khoản phí thử nghiệm khí thải, không phải nộp phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu.
Thực tế, theo Bộ Tài chính, phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu không phải là khoản thu mới. Kết quả thử nghiệm khí thải hiện tại đồng thời đã cho kết quả về mức tiêu thụ nhiên liệu phương tiện. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp chỉ yêu cầu thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu mà không yêu cầu thử nghiệm khí thải.
Bởi vậy, đại diện Bộ Tài chính cho biết cần quy định mức thu phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu tại dự thảo thông tư này nhằm giảm chi phí cho các đơn vị.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ô tô và Cục Đăng kiểm VN cũng đồng thời lên tiếng về vấn đề đang khiến dư luận quan tâm này. Theo đó, việc thử nghiệm nhằm xác định mức tiêu thụ nhiên liệu của xe cho phép được thực hiện kết hợp với thử nghiệm khí thải để hạn chế phát sinh thêm chi phí. Do đó, nếu doanh nghiệp khi thử nghiệm khí thải thì đồng thời cũng có thể yêu cầu cơ quan thử nghiệm cấp thêm kết quả thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu của xe mà không phải tính thêm phí.
Trong dự thảo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ vấn đề này: "Trường hợp phương tiện vừa đăng ký thử nghiệm khí thải vừa đăng ký thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu theo phương pháp cân bằng cacbon thì chỉ phải nộp một lần phí thử nghiệm khí thải".
Mặt khác theo doanh nghiệp và cơ quan đăng kiểm, việc thử nghiệm chỉ áp dụng đại diện một mẫu xe chứng không phải thử nghiệm hết tất cả xe sản xuất, nhập khẩu của mẫu xe đó.
Ví dụ mẫu xe mới của Innova do Toyota Việt Nam lắp ráp với 20.000 xe thì chỉ thử nghiệm đại diện 1 xe Innova đó.
Nhìn trên tổng thể, chi phí sẽ không phát sinh đáng kể cho nhà sản xuất, nhập khẩu xe ô tô khi thực hiện chương trình dán nhãn năng lượng.
Về vấn đề này, trước đó, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội nhận xét, một chiếc ô tô đang phải gánh quá nhiều loại thuế, phí khiến người tiêu dùng bức xúc là thực tế.
Nhưng ở VN vấn đề thuế, phí hiện còn đang còn nhiều bất cập, không có sự liên kết, giải pháp không đồng bộ dẫn tới mỗi cơ quan quản lý, mỗi ngành nghề, doanh nghiệp đều phải chịu những loại thuế phí khác nhau dẫn tới tình trạng thu rồi vẫn thu nữa, cơ quan này thu, cơ quan khác cũng muốn thu.
Thông qua việc kiểm nghiệm, người tiêu dùng mới biết chiếc ô tô mình định mua có mức tiêu thụ nhiên liệu có giống như quảng cáo không? |
Kiểm nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu của ô tô là bảo vệ người tiêu dùng
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan bên lề Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất thu phí tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu… là việc nên làm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu đối với xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống khi kiểm tra thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu là mới đối với Việt Nam, còn ở trên thế giới nhiều nước đều thực hiện.”- TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, thông qua việc kiểm nghiệm, người tiêu dùng mới biết chiếc ô tô đấy có mức tiêu thụ nhiên liệu có giống như quảng cáo không? Nhà sản xuất nói xe chạy hết 8 lít/100/km, nhưng khi chạy thử nghiệm thực tế tại Việt Nam lên 10 lít/100/km thì sao? Nếu như vậy thì cứ 100 km, người tiêu dùng mất thêm gần 60 nghìn đồng tiền xăng.
TS. Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định, lâu nay chúng ta cái gì cũng gán cho từ phí như: Viện phí, học phí… Cái này tồn tại từ thời bao cấp. Nhưng nay chúng ta phải phân định rạch ròi đây là trả tiền sử dụng dịch vụ. Tương tự, các chi phí kiểm định phải trả cho người làm kiểm định. Nếu trạm đăng kiểm làm thì trạm đăng kiểm thu, còn doanh nghiệp làm thì doanh nghiệp thu.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
[mecloud]ooMLPEcq1U[/mecloud]