Bất chấp sự chênh lệch rõ ràng về tương quan lực lượng, các phi công Ukraine đã liên tục điều khiển máy bay trong suốt 1 tháng kể từ chiến dịch quân sự nổ ra. Bản thân họ cũng không được phép nghỉ ngơi và lơ là nhiệm vụ. Việc này đã giúp Ukraine, đến thời điểm hiện tại, ngăn được các lực lượng Nga giành được lợi thế trên không - một điều then chốt để giành được chiến thắng thần tốc. Chính diễn biến này đã khiến diễn biến của chiến dịch quân sự bị đình trệ.
Việc không giành được lợi thế trên không đã phần nào cản bước tiến của các lực lượng Nga, họ sẽ phải thận trọng hơn và không thể mạo hiểm đi khỏi những vị trí cố thủ.
Mới đây, không quân Ukraine lần đầu được phép chia sẻ về câu chuyện của họ, về cách họ bảo vệ bầu trời. Theo đó, hãng tin New York Times đã được quyền tiếp cận với các phi công tham gia chiến đấu tại một căn cứ không quân, vị trí của căn cứ này không được tiết lộ.
Trong đó, Andriy, 25 tuổi, một phi công chiến đấu Ukraine, chia sẻ với tờ báo rằng anh không được thông báo về nhiệm vụ của mình cho đến khi anh cất cánh trên không. Các phi công có rất ít thời gian cho các cuộc họp giao ban trước chuyến bay và nhận thức được rằng họ không nên nán lại một chỗ quá lâu.
Andriy cho biết anh không có thời gian để kiểm tra an toàn trước khi cất cánh cùng chiếc Sukhoi Su-27 - một máy bay chiến đấu hai động cơ có xuất xứ từ Liên Xô. Từ khi chiến sự bắt đầu, tổng số máy bay chiến đấu trong hàng ngũ của Ukraine là khoảng 100 chiếc, khoảng 1/3 trong số đó là Su-27. Bây giờ, họ chỉ còn ít hơn 60 chiếc có sẵn.
Andriy kể lại: "Tôi không làm gì cả. Tôi cứ thế mà cất cánh thôi. Mỗi lần tôi bay, đó đều là một lần chiến đấu thật sự. Trong mỗi cuộc chiến với máy bay Nga, chưa bao giờ có sự cân bằng. Số máy bay của họ luôn luôn nhiều hơn chúng tôi gấp 5 lần trên không".
Chiến đấu đẩy lùi đối phương
Trong gần 4 tuần kể từ khi chiến sự nổ ra, Andriy đã thực hiện khoảng 10 trận chiến, đây là những phi vụ được cho là đã đi vào lịch sử. Theo đó, trong một trận chiến, khi máy bay Ukraine đối đầu với máy bay của Nga, Andriy cho biết anh đã hạ gục chúng.
Anh nói: "Tôi chủ yếu có nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu trên không, đánh chặn máy bay phản lực của đối phương. Tôi đợi tên lửa khóa mục tiêu rồi ấn nút khai hoả".
Anh cho biết giờ đây anh sống để chiến đấu và đẩy lùi lực lượng Nga khỏi bầu trời của đất nước. Anh tâm sự: "Tôi rất vui vì những chiến máy bay ấy sẽ không thể ném bom xuống những thị trấn yên bình của chúng tôi được nữa. Tôi đã có những tình huống tiếp cận máy bay Nga ở khoảng cách đủ gần để nhắm mục tiêu và khai hỏa. Tôi đã có thể phát hiện ra nó nhưng đang đợi tên lửa của tôi khóa mục tiêu. Cùng lúc này từ mặt đất, họ nói với tôi rằng một tên lửa đã được nhắm bắn vào phía tôi".
Theo đó, Andriy đã điều khiến máy bay vượt qua những bờ rào tăng và hạ độ cao để né tránh tên lửa. Anh chia sẻ: "Thời gian tôi phải tự cứu mình phụ thuộc vào khoảng cách khi tên lửa được bắn về phía tôi và đó là loại tên lửa nào. Tôi vẫn có thể cảm thấy một lượng adrenaline rất lớn trong cơ thể vì mỗi chuyến bay là một cuộc chiến".
Tốt nghiệp Trường Không quân Kharkiv, Andriy cho biết đã muốn trở thành một phi công từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, bản chất thực sự của chiến tranh và bạo lực trong cuộc xung đột rõ ràng đã khiến anh bị sốc.
Anh chia sẻ: "Cả tôi và bạn bè của tôi đều không bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến thực sự. Nhưng đó không phải là cách nó diễn ra".
Andriy đã đưa vợ đến một khu vực khác của Ukraine, nơi ấy hiện vẫn đang được đảm bảo an ninh. Anh ta chỉ điện thoại cho vợ sau khi đã trở về an toàn từ một cuộc xuất kích.
Andriy nói với The New York Times: "Tôi chỉ có thể sử dụng các kỹ năng của mình để giành chiến thắng. Kỹ năng của tôi tốt hơn người Nga. Nhưng mặt khác, cũng có nhiều bạn bè của tôi, và thậm chí cả những người có kinh nghiệm hơn tôi, đã chết".
Sự không cân xứng trên bầu trời
Sự không cân xứng về tương quan lực lượng trên bầu trời vốn được xem là lợi thế để đảm bảo chiến thắng của Nga. Bên cạnh số lượng, các máy bay của Nga còn hiện đại hơn. Trong khi Andriy điều khiển chiếc Su-27, nhiều phi công khác của Nga đang lái các máy bay Su-30, Su-34 và Su-35 thế hệ mới hơn, có công nghệ tiên tiến hơn.
Các nhà phân tích ước tính Nga có khoảng 300 máy bay, trong khoảng 1.500 phi đội, sẵn sàng xuất kích vào Ukraine. Tuy nhiên, theo phía Ukraine, không quân Nga đã phải chịu tổn thất kể từ khi chiến dịch quân sư nổ ra. Trong đó, Kyiv tuyên bố đã bắn hạ 95 máy bay của Nga kể từ đầu chiến dịch tới nay.
Các chuyên gia cho rằng con số này có sự lạc quan, buộc Nga phải thay đổi chiến thuật để giảm số lượng các mũi tiến công.
Ukraine hiện có 55 máy bay chiến đấu sẵn sàng bay do bị tổn thất trên bầu trời hoặc gặp các vấn đề về cơ khí và bảo dưỡng do hao mòn.
Ông Justin Bronk, một nhà nghiên cứu về sức mạnh không quân và công nghệ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, cho rằng việc Nga không đủ khả năng để đánh bật các hệ thống phòng không của Ukraine, chứ không phải tinh thần anh hùng của các phi công máy bay chiến đấu cánh cố định, đã ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự của ông Putin.
Sau khi chịu tổn thất nặng nề vào ngày 4 và 5/3, Nga đã tăng cường các hệ thống phòng không của riêng mình, hạn chế các máy bay phản lực của Ukraine thực hiện các cuộc xuất kích ngắn hơn ở tầm thấp. Một chiếc Su-27 đầy chất tải, được quân đội Ukraine điều khiển ở độ cao thấp nằm trong tầm ngắm của radar, có thể có thời gian bay không quá 30 phút.
Tuy nhiên, theo ông Bronk, các hệ thống phòng không của Ukraine - S400 và S300, đều do Nga sản xuất - đã hoạt động hiệu quả trong việc bắn hạ máy bay phản lực và tên lửa hành trình trong khi các máy bay không người lái tiếp tục tấn công các mục tiêu của Nga, bay vào gió với tốc độ chậm để trốn tránh hệ thống radar Nga.
Ông tin rằng Nga đã mất tới 22 máy bay phản lực nhanh và rõ ràng là vẫn còn khả năng mất thêm. Ông nhận xét: "Điều mà người Nga vẫn chưa thể làm là đánh bật các hệ thống Sam [tên lửa đất đối không], có nghĩa là họ phải bay xung quanh ở độ cao rất thấp hoặc rất cao".
Minh Hạnh (Theo Telegraph)