Băn khoăn về tính khả thi của quy định xử phạt chó thả rông nơi công cộng, nhiều câu hỏi đặt ra liệu quy định này có tránh được "lối mòn" của những văn bản gây tranh cãi trước đó.
Từ ngày 15/9, Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực. Theo đó, với hành vi không đeo rọ mõm, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa ra nơi công cộng; chủ nuôi có không tiêm phòng bệnh dại chó phải chịu mức phạt vi phạm hành chính từ 600-800 ngàn đồng.
Tuy nhiên, 1 tuần sau khi Nghị định này có hiệu lực, tại một số tuyến phố, khu vui chơi, công viên, nơi công cộng,... không khó để bắt gặp hình ảnh những chú chó vẫn vô tư thả rông mà không hề được rọ mõm hay dắt bằng dây xích.
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc quy định xử phạt chó thả rông, không rọ mõm nơi cộng cộng thiếu tính khả thi. Ảnh: HTV |
Như vậy, sau thời điểm Nghị định có hiệu lực, nhiều ý kiến đánh giá luật còn chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi và khó thực hiện. Theo đó, đa phần đều bày tỏ băn khoăn về việc văn bản này rồi sẽ "khó đi vào thực tế" và sẽ lại rơi vào "lối mòn" của một số văn bản từng gây dư luận trái chiều trước đó.
Phạt vì không có giấy tờ gốc đăng ký phương tiện
Mới đây, dư luận phản ánh việc CSGT không coi "giấy xác nhận vay có đóng dấu ngân hàng" thay thế đăng ký xe và sẽ phạt tài xế lỗi không có giấy tờ gốc.
Trên báo Đầu tư, đại diện Cục CSGT cho rằng, từ trước tới nay, lực lượng cảnh sát giao thông làm theo đúng quy định của pháp luật: "Người tham gia giao thông nếu không đủ các giấy tờ giấy tờ đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bản chính... khi vi phạm giao thông sẽ bị xử lý". Trong khi đó, phía Ngân hàng lại giải thích, theo điều Điều 323 Bộ luật dân sự 2015, nhà băng được phép giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
Sau đó, NHNN đã nhận thấy được vấn đề khó khăn, bên nhận thế chấp vẫn nắm giữ giấy tờ đó, có thể chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, cầm đồ, nên các NHTM khi cho vay khó kiểm soát, dẫn đến nợ xấu phát sinh. Do đó, NHNN đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Công an, Tư pháp cho phép người điều khiển giao thông được dùng bản sao, có xác nhận của tổ chức tín dụng và đề nghị Bộ Công an không xử phạt.
Trước đó, xe chính chủ, chứng minh thư ghi tên bố mẹ, tổ chức tiệc cưới không quá 300 người, phạt 5 triệu đồng khi nghe điện thoại ở cây xăng, chỉ bán thịt sau 8 giờ giết mổ... là những quy định gây nhiều tranh cãi.
Xử phạt xe chính chủ
Quy định này khiến nhiều người lo lắng vì sử dụng xe không chính chủ, trong đó nhiều trường hợp không thể tìm được chủ cũ. Ảnh minh họa |
VNExpress đưa tin, theo Nghị định 71, từ ngày 10/11/2012, cảnh sát giao thông sẽ áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và một triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ. Quy định này khiến nhiều người lo lắng vì đang sử dụng xe không chính chủ, trong đó nhiều trường hợp không thể tìm được chủ cũ; và liệu có phải mang hộ khẩu khi tham gia giao thông để chứng minh xe mượn chứ không phải "xe không chính chủ".
Trước phản ứng của dư luận, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an sớm soạn thông tư hướng dẫn và trong lúc chờ thông tư, lực lượng chức năng chưa phạt lỗi phương tiện chưa sang tên, đổi chủ. Các bộ ngành cũng nghiên cứu giảm mức phí sang tên đổi chủ xuống 1%.
Chó mèo cũng phải "chính chủ"
Theo kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cấp chính quyền và ngành thú y phải lập sổ theo dõi số lượng chó, mèo nuôi, số hộ có nuôi chó, mèo trên địa bàn; thành lập các đội chuyên bắt giữ chó mèo thả rông. Số chó, mèo bị bắt này sẽ được theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận. Sau 72 giờ, nếu không có người đến nhận sẽ tiến hành tiêu hủy.
Theo một cán bộ thú y, do nằm trong khuôn khổ một chương trình quốc gia nên quyết định mới của Bộ Nông nghiệp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu (nâng cao nhận thức của người dân và chất lượng giám sát của ngành thú y, chính quyền các cấp về bệnh dại) chứ không phải là một văn bản quy phạm pháp luật có tính bắt buộc. Quyết định mới vì thế cũng không quy định chế tài, chẳng hạn như phạt tiền chủ vật nuôi trong trường hợp không đăng ký với UBND xã, phường về chó, mèo của hộ mình.
Giấy chứng minh nhân dân ghi tên bố mẹ
Đã có khoảng 35.000 CMND mẫu mới có ghi tên cha, mẹ được cấp từ tháng 9/2012. Ảnh: Thời báo kinh tế Việt Nam |
Tiền phong đăng tải, theo Thông tư 27/2012 của Bộ Công an quy định về mẫu CMND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2012, CMND mới là thẻ nhựa, mặt trước sẽ có những thông tin cơ bản của cá nhân công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú. Mặt sau có mã vạch hai chiều, dấu vân tay ngón trỏ trái và phải, đặc điểm nhận dạng, họ và tên cha, họ và tên mẹ.
Khi thông tư bắt đầu được triển khai đã gây rất nhiều tranh cãi, thậm chí có ý kiến phản đối từ chính những cơ quan pháp luật.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, sau khi nghiên cứu quy định cho phép đưa tên cha mẹ lên CMND, Cục đã phát hiện điều này trái với Bộ luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký tham gia từ năm 1989. Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng về việc bãi bỏ quy định này.
(Tổng hợp)