Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung được Chính phủ quan tâm.
Nghị quyết 82 nêu rõ, du lịch đã ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia và khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.
Để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm với phương châm “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, đồng thời đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan Ban ngành, UBND các tỉnh thành phố, các hiệp hội nghề nghiệp và cả cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết 82 đưa ra những nhiệm vụ cụ thể về phát triển du lịch trên đất nông nghiệp. Đây là một điểm mới đang được nhiều địa phương cũng như doanh nghiệp quan tâm bởi những năm gần đây, du lịch nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, đa dạng và dần trở thành xu hướng. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn đang còn gặp nhiều bất cập, vướng mắc.
Cụ thể, trong Nghị quyết 82, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển, làm mới loại hình, dịch vụ đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc mà trong đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn mà một mô hình cần lưu ý.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm, phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn.
Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành, hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định các loại đất nông nghiệp và khu vực đất được quy hoạch cho mục đích nông nghiệp kết hợp với hoạt động du lịch.
Nhiều bất cập trong triển khai
Có thể thấy, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là mô hình được Chính phủ quan tâm và tìm cách phát triển. Thời gian qua, mô hình du lịch này cũng đã trở thành xu hướng tại nhiều địa phương trên cả nước, thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như được du khách ngày càng ưa chuộng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn gặp nhiều vấn đề bất cập. Đặc biệt là liên quan đến việc xây dựng trên đất nông nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Không ít doanh nghiệp vướng phải những sai phạm liên quan xây dựng trái phép phải khắc phục, tháo dỡ gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong thí điểm mô hình du lịch trên đất nông nghiệp và triển khai thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp như đưa vào thí điểm khu du lịch theo mô hình này. Tuy nhiên, áp dụng thực tế tại địa phương cho thấy rất khó đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chủ một KDL tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, chia sẻ: “Việc khó khăn nhất là thủ tục đất đai. Phần lớn diện tích phải dùng làm nông nghiệp trong khi tỉ lệ được phép xây dựng rất hạn chế. Do đó không thể đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, dịch vụ cho khách du lịch. Để hiệu quả, mô hình này đòi hỏi phải có diện tích đất rất lớn mà như vậy thì khó có người dân địa phương nào đủ sức làm”.
Không riêng Đà Nẵng, đây cũng là vấn đề mà nhiều tỉnh, thành khác cũng đang gặp phải khi phát triển du lịch nông nghiệp. Theo xu hướng, các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái ồ ạt mở ra. Tuy nhiên, phần lớn đều không đủ điều kiện, dẫn đến việc bất chấp xây dựng, hoạt động trái phép. Tại tỉnh Đồng Nai, vào tháng 4/2023, chính quyền đã vận động, cưỡng chế tháo dỡ hơn 20 điểm du lịch trái phép quanh khu vực hồ Trị An.
Doanh nghiệp cần được ủng hộ, hướng dẫn
Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch nông nghiệp cần có một kịch bản tổng thể. Trong đó, quan trọng nhất là việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là các vấn đề về sử dụng đất đai. Hạn chế các sai phạm trong việc triển khai xây dựng các khu du lịch nông nghiệp, nông thôn, dẫn đến việc chính quyền buộc tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn gây tâm lý e dè cho các nhà đầu tư.
Điển hình như mới đây, khu trải nghiệm Big Sun (huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng) đã phải chấp hành khắc phục, tháo dỡ hàng loạt công trình như nhà gỗ gắp ghép, nhà sơ chế, nhà ở công nhân,… xây dựng trái phép trên diện 586m2.
Theo chủ đầu tư, ban đầu khu trải nghiệm Big Sun được lập lên với mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâu năm kết hợp với khu trải nghiệm cho học sinh. Sau một thời gian, khu trải nghiệm này thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và vui chơi. Đặc biệt là các du khách, học sinh muốn trải nghiệm môi trường sống tự nhiên như ở làng quê, có thể được ra vườn hái rau, bắt gà hay xuống ao thả lưới,....
Xuất phát từ nhu cầu của du khách, khu trải nghiệm đã được đầu tư xây dựng thành một tổ hợp vui chơi giải trí với một số công trình như: Hồ bơi cho trẻ em, khu dịch vụ ăn uống, khu trải nghiệm,… Tuy nhiên, do vướng các sai phạm liên quan đến thủ tục đất đai, sau khi bị xử phạt, chủ đầu tư đã tạm ngưng hoạt động, chủ động tháo gỡ, cải tạo dự án và tiến hành hoàn tất các thủ tục cần thiết.
“Mục đích của chúng tôi là đầu tư một khu du lịch xứng tầm, phục vụ du khách có nhu cầu trải nghiệm các hoạt động gắn liền với truyền thống nông nghiệp. Hiện nay chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa Khu trải nghiệm Big Sun hoạt động trở lại. Tuy nhiên, để hoạt động theo đúng quy định của pháp luật thật sự gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, chúng tôi hy vọng nhận được sự hướng dẫn, ủng hộ của chính quyền địa phương”, Chủ khu trải nghiệm Big Sun chia sẻ.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính sách pháp luật đất đai cần tiếp tục nghiên cứu về phân loại đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hỗn hợp trên đất nông nghiệp; điều kiện tách thửa đất nông nghiệp theo loại hình farmstay; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với loại hình farmstay... Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong đó hướng đến tạo hành lang pháp lý cho mô hình kinh doanh nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng hướng, đúng quy định và đảm bảo phát triển du lịch bền vững, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Điều 18 và Điều 55, Luật Du lịch số 09/2017/QH14 quy định: Tổ chức, cá nhân có quyền sáng tạo, phát triển, kinh doanh các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và phù hợp quy định pháp luật. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện một số hoạt động như: Xây dựng các chuỗi nhà hàng ẩm thực, khai thác trò chơi dân gian, phát triển du lịch gắn với thể thao, nghệ thuật…
Trần Hồ