+Aa-
    Zalo

    Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là nhiệm vụ chủ yếu thể hiện nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển

    Theo ông Phạm Ngọc Nghị – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk,  phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là một trong các nhiệm vụ chủ yếu thể hiện nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”.

    Tại hội nghị cải cách hành chính diễn ra ngày 17/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo phục vụ dân.

    Nhân dịp Chính phủ ban hành Nghị quyết 100 – Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 vừa có hiệu lực vào ngày 18/11/2016, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về vấn đề Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

    PV: Cần hiểu về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ?

    Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Chính phủ kiến tạo phát triển là một thông điệp xuyên suốt trong các vấn đề của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Trong thời gian qua, cùng với Chương trình hành động ban hành kèm theo Nghị quyết 100/NQ-CP ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chương trình hành động để thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời củng cố bộ máy của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương như Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016, 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

    Chính phủ kiến tạo phát triển vì sự phát triển của đất nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân; tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các thành phần kinh tế, tầng lớp trong xã hội và nhân dân ngày càng tiến bộ, phát triển trên cơ sở ban hành cơ chế, chính sách một cách minh bạch và chịu trách nhiệm trước Nhân dân; đồng thời, thiết lập nên một hệ thống thể chế hiện đại, văn minh, làm nền tảng cho sự phát triển liên tục của đất nước. Nghị quyết 100/NQ-CP thể hiện nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu:

    1. Tổ chức bộ máy Chính phủ tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
    2. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
    3. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững.
    4. Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
    5. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chinh trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
    6. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là về quan điểm, cơ chế chính sách phát triển, tình hình kinh tế- xã hội.

    Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (ảnh báo Chính phủ).

    PV:Nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” trong xây dựng tổ chức bộ máy cần hiểu cụ thể như thế nào trong điều kiện cụ thể tại địa phương?

    Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Đối với địa phương, nguyên tắc Chính phủ kiến tạo trong xây dựng tổ chức bộ máy được thể hiện thông qua việc xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; chú trọng đào tạo, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm cao; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

    Để thực hiện nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, tỉnh Đak Lak đã thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng tổ chức bộ máy:

    -          Tiếp tục thực hiện Nghị quyết  của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cải cách hành chính.

    -          Tập trung xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

    -          Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tập trung rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức.

    -          Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức.

    -          Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; chú trọng phát triển dịch vụ công trực tuyến và có giải pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nhằm nâng cao tính công khai minh bạch của cơ quan hành chính Nhà nước.

    -          Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật. Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ. Xây dựng và ban hành cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh công tác thi hành án, công tác bổ trợ tư pháp.

    -          Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục kiện toàn bộ máy chỉ đạo và chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra phát hiện tham nhũng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; bổ sung chế tài và biện pháp xử lý đối với các trường hợp gây thất thoát, lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, tài nguyên của đất nước; thu hồi triệt để, bổ sung công quỹ những tài sản do tham nhũng mà có. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan Nhà nước và toàn xã hội.

    PV: Với cách hiểu như trên về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, đánh giá, nhìn lại thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy thời gian qua, đồng chí đánh giá như thế nào về những mặt còn tồn tại, hạn chế?

    Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt, đưa ra giải pháp mang tính đột phá, tác động tích cực trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến đọ thực hiện các dự án đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Tuy nhiên, nhìn chung, thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy tại địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

    -          Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giúp cho số lượng đầu mối các cơ quan chuyên môn giảm rõ rệt, nhưng cơ cấu tổ chức bên trong các cơ quan lại không giảm. Thực tế dù có sự phân công rõ chức năng, nhiệm vụ nhưng quá trình thực hiện vẫn có những nội dung công việc liên quan không dễ tách bạch, đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau.

    -          Số lượng quần chúng nhiều (886 hội ở 03 cấp), chưa bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí, hoạt động chưa hiệu quả. Số lượng đơn vị sự nghiệp nhiều, quy mô nhỏ, khả nang tự chủ thấp, hiệu quả cung ứng dịch vụ chưa cao. Đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục bị ràng buộc bởi những quy định có phần cứng nhắc, chưa phù hợp thực tế, dẫn tới có nhiều đầu mối, quy mô nhỏ, phân tán, lãng phí về nguồn lực. Các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ tài chính, nhưng chưa thực sự tự chủ về thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, biên chế.

    -          Công tác giám sát của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính được tăng cường. Việc công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước được cải thiện thông qua hoạt động công khai quy hoạch, kế hoạch, thủ tục hành chính, trình tự thực hiện thủ tục hành chính, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trách nhiệm giải trình người dân chưa được các cơ quan hành chính Nhà nước quan tâm đúng mức.

    PV:Thời gian tới, căn cứ vào những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP, địa phương có xây dựng một Chương trình hành động riêng, để xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”? Nếu có, đơn vị nào được giao nhiệm vụ chủ trì và dự kiến khi nào sẽ được ban hành?

    Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Để thực hiện nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, Nghị quyết 100/NQ-CP và các Chương trình hành động của Chính phủ, tỉnh Đak Lak đã ban hành các Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.

    Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2544/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28//4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Quyết định số 951/QĐ-UBND ngày 08/4/2016 về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 và các Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm; Quyết định 451/QĐ-UBND ngày 28/2/2017 Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020…

    Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Nội vụ là 02 cơ quan chủ lực chính, tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện việc xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”.

    PV:Trân trọng cám ơn ông.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-huy-nhan-to-con-nguoi-trong-moi-linh-vuc-cua-doi-song-xa-hoi-a188991.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan