Đó là nhận định của ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai về chủ trương tổ chức bộ máy của Chính phủ với nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”.
Tại hội nghị cải cách hành chính diễn ra ngày 17/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo phục vụ dân.
Nhân dịp Chính phủ ban hành Nghị quyết 100 – Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 vừa có hiệu lực vào ngày 18/11/2016, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ông Đặng Xuân Phong về Chính phủ kiến tạo phát triển.
PV: Cần hiểu về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 100/NQ-CP?
Ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Trong Nghị quyết 100/ NQ-CP đã nêu rõ: Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật...; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Như vậy, chính phủ kiến tạo phải là một chính phủ năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành; phải xây dựng được hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc để tạo cơ hội, môi trường làm ăn, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời phải quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, làm cho trong sạch bộ máy.
Ông Đặng Xuân Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. |
PV: Nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” trong xây dựng tổ chức bộ máy cần hiểu cụ thể như thế nào trong điều kiện cụ thể tại địa phương?
Ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Đối với Lào Cai, trong xây dựng tổ chức bộ máy, việc hiểu và vận dụng nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” cũng đồng nghĩa với việc hoàn thiện bộ máy hiện có theo hướng tinh gọn, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. có sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan chuyên môn, từng cấp hành chính, nhằm hướng đến mục tiêu chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ trong quản lý, từ đó tạo ra cơ hội, môi trường làm ăn, kinh doanh tốt cho người dân và doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có ở cả các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện phân định chức năng quản lý nhà nước và sự nghiệp công, xóa bỏ chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; điều chỉnh, bổ sung những nhiệm vụ mới cho phù hợp với yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện hình thành và phát triển các đơn vị sự nghiệp theo hướng hoạt động tự chủ, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, môi trường, truyền thông… Riêng trong năm 2016, tỉnh Lào Cai đã kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của 17 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; sắp xếp thống nhất lại 13 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Phê duyệt Bản mô tả công việc và Khung năng lực của từng vị trí việc làm đối với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015, Nghị định 108/NĐ-CP ngày 201/11/2014 của Chính phủ. Năm 2016, toàn tỉnh đã thực hiện tinh giản 332 người, trong đó công chức 27 người, viên chức 178 người.
Cùng với đó, tỉnh Lào Cai cũng tăng cường phân cấp quản lý giữa UBND tỉnh với các sở, ngành, các huyện, thành phố và giữa huyện, thành phố với xã, phường, thị trấn, bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, đồng bộ với nguồn lực tài chính, phù hợp với năng lực của cán bộ, công chức và các điều kiện cần thiết khác, kiên quyết loại bỏ tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, các cấp.
Lào Cai cũng đã rất năng động, sáng tạo trong việc phát huy các tiềm năng, lợi thế. Trong mỗi nhiệm kỳ đều xác định các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội trọng tâm để triển khai thực hiện. Trong đó chú trọng khai thác tốt tiềm năng về kinh tế cửa khẩu, du lịch, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và nông nghiệp đặc hữu.
Những nỗ lực đó đã góp phần tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi và hấp dẫn, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Trong nhiều năm liền, tỉnh Lào Cai luôn đứng trong top đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (năm 2016 đứng thứ 5).
PV: Với cách hiểu trên về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo” đánh giá, nhìn lại thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của địa phương thời gian qua, đồng chí đánh giá như thế nào về những mặt còn tồn tại, hạn chế?
Ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Trong thời gian qua, việc xây dựng tổ chức bộ máy tại Lào Cai đã cơ bản đáp ứng được với yêu cầu phát triển của địa phương. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội luôn vận động, kéo theo đó là những vấn đề mới phát sinh, những yêu cầu mới cần được giải quyết, đặc biệt là đối với một tỉnh vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Lào Cai. Trong khi đó, hệ thống pháp luật vẫn còn một số chỗ chưa thể “đón đầu” những yêu cầu này, do vậy dẫn đến những hạn chế, tồn tại nhất định trong công tác quản lý nhà nước. Và công tác xây dựng tổ chức bộ máy cũng không ngoại lệ.
Thực tế đã cho thấy, việc tổ chức bộ máy tại địa phương dù đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật (Nghị định 24/2014/NĐ-CP, Nghị định 37/2014/NĐ-CP và các quy định liên quan) nhưng vẫn chưa có sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị. Dẫn đến tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, chưa thực sự được tinh gọn, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan trong xử lý công việc; chất lượng, kỷ cương, kỷ luật công vụ chưa nghiêm; việc triển khai chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ở một số nơi, một số thời điểm còn chậm. Vẫn còn tình trạng tỉnh đã “mở cửa” nhưng phía cơ sở chưa thông do trình độ quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực ở cấp cơ sở còn yếu.
PV: Thời gian tới, căn cứ vào những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP, địa phương có xây dựng một chương trình hành động riêng, để xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo và phát triển”? Nếu có, đơn vị nào sẽ được giao nhiệm vụ chủ trì và dự kiến khi nào sẽ dược ban hành?
Ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Căn cứ vào những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ, tháng 1/2017, tỉnh Lào Cai đã ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Chương trình đã để cập đầy đủ các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, trong đó công tác tổ chức bộ máy được đặc biệt nhấn mạnh (Toàn văn của Chương trình hành động đã được công bố rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai tại địa chỉ www.laocai.gov.vn).Văn bản này sẽ là căn cứ để các ngành, các cấp thực hiện xuyên suốt, thống nhất trong cả nhiệm kỳ. Riêng trong năm 2017 này, UBND tỉnh Lào Cai xác định là năm “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”. Chính vì vậy, Lào Cai sẽ không ban hành chương trình hành động riêng về xây dựng tổ chức bộ máy.
PV: Trân trọng cám ơn ông./.