Theo hãng tin Reuters, các nhà khoa học Đại học Oxford của Anh mới đây đã xem xét dữ liệu về gần 20.000 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Mỹ, khoảng một nửa trong số đó đã được tiêm vaccine đầy đủ. Được biết, so với những người chưa tiêm chủng, các bệnh nhân COVID-19 đã tiêm 2 liều vaccine, đặc biệt những người dưới 60 tuổi, ít có nguy cơ mắc các triệu chứng nặng như suy phổi, cần thở máy, nhập viện ICU, cục máu đông đe dọa tính mạng, co giật, và rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp người trẻ, khoẻ mạnh và đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 mắc các triệu chứng nghiêm trọng. Những trường hợp này được gọi là các ca mắc "đột biến". Các nhà khoa học chỉ ra gen có thể là một yếu tố ảnh hưởng tới các trường hợp này.
Cụ thể, nghiên cứu đã phát hiện ra các loại gen có khả năng hỗ trợ virus SARS-CoV-2 nhân lên trong cơ thể, góp phần gây ra các triệu chứng nghiêm trọng đối với những ca bệnh trẻ và khoẻ mạnh.
Trong đó, các nhà nghiên cứu Pháp đã phân tích dữ liệu của 72 bệnh nhân COVID-19 nhập viện dưới 50 tuổi, trong đó có 47 bệnh nhân nguy kịch và 25 bệnh nhân nặng và 22 tình nguyện viên khỏe mạnh. Không ai trong số bệnh nhân có bất kỳ bệnh mãn tính hay bệnh nền có thể góp phần khiến tình trạng sức khoẻ xấu đi.
Phân tích di truyền đã xác định 5 loại gen "được điều chỉnh" hoặc hoạt động nhiều hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, trong đó nổi bật nhất là gen có tên là ADAM9. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện cùng một kiểu di truyền trong một nhóm riêng biệt gồm 154 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 81 người bị bệnh nặng.
Trong các thí nghiệm nghiên cứu các tế bào phổi của người bị mắc COVID-19, họ phát hiện ra rằng việc ngăn chặn hoạt động của gen ADAM9 có thể khiến virus khó nhân bản hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu thêm để xác nhận những phát hiện của họ và xác định xem liệu có nên phát triển các phương pháp điều trị để ngăn chặn gen ADAM9 hay không.
Minh Hạnh(Theo Reuters)