Các nhà khoa học vừa phát hiện hóa thạch của loài chim cánh cụt ở Nam Cực có chiều cao hơn 210cm và trọng lượng hơn 100kg.
Chim cánh cụt khổng lồ Palaeeudyptes klekowskii cao hơn "sếu vườn" Peter Crouch của đội tuyển Anh. Ảnh: Mirror |
Palaeeudyptes klekowskii là tên khoa học của chim cánh cụt khổng lồ mà các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng La Plata ở Argentina đã khai quật tại khu vực La Meseta, thuộc đảo Seymour, một phần của bán đảo Nam Cực. Hóa thạch của chúng gồm xương mắt cá chân, bàn chân dài nhất từ trước tới nay và các phần của một khung xương cánh. Chúng có niên đại 37 triệu năm, The Guardian đưa tin.
Từ những mẫu vật, các nhà nghiên cứu ước tính chim cánh cụt khổng lồ có chiều cao từ chân đến mỏ khoảng 2,1m và trọng lượng lên tới 115kg.
So với chim cánh cụt hoàng đế (tên khoa học là Aptenodytes forsteri) với chiều cao 1,1m và nặng dưới 50kg, Palaeeudyptes klekowskii vượt trội hơn hẳn. Chiều dài toàn bộ cơ thể của chúng cũng "đánh bại" cầu thủ Peter Crouch của đội tuyển Anh, người mang biệt danh "sếu vườn" với 2,01m. Chúng còn có khả năng lặn dưới nước trong vòng 40 phút.
Palaeeudyptes klekowskii không phải là chim cánh cụt thời tiền sử duy nhất mà giới nghiên cứu phát hiện. Năm 2007, họ đã tìm thấy loài chim cánh cụt Icadyptes salasi với chiều cao khoảng 1,5m ở Peru. Chúng tồn tại cách đây 36 triệu năm.