Các nhà khoa học vừa phát hiện hóa thạch của Pelagornis sandersi, loài chim lớn nhất từng sinh trưởng và phát triển trên trái đất.
Cable News Network (CNN) dẫn nghiên cứu của các chuyên gia khảo cổ học cho biết, phòng khách một ngôi nhà bình thường sẽ không đủ diện tích để những con Pelagornis sandersi tung cánh. Các chuyên gia ước tính, sải cánh của loài động vật này dài từ 6 tới 7,3m. Nó lớn gấp đôi sải cánh của chim hải âu hoàng gia, loài chim lớn nhất đang tồn tại trên trái đất.
Mô phỏng Pelagornis sandersi, loài chim lớn nhất từng tồn tại trên trái đất. Ảnh: CNN |
Trung tâm Tiến hóa Tổng hợp Quốc gia Mỹ ở bang North Carolina cho biết, loài sinh vật này sống cách đây 25 đến 28 triệu năm. Sải cánh dài, mảnh cùng xương rỗng và mỏng giúp Pelagornis sandersi bay cao và bay xa mà không cần vỗ cánh. Tuy nhiên, kích thước cũng là trở ngại chính đối với loài chim này khi nó bắt đầu bay lên. Nó cần phải chạy xuống dốc và ngược chiều gió để nhấc mình khỏi mặt đất. Sau khi bay lên, loài chim lớn nhất hành tinh sẽ di chuyển như một chiếc tàu lượn.
Một công nhân xây dựng phát hiện hóa thạch loài Pelagornis sandersi khi xây dựng đường băng ở sân bay quốc tế Charleston, South Carolina, Mỹ từ 31 năm trước. Những gì còn sót lại của con vật là một chiếc hộp sọ, nhiều xương cánh và xương chân. Một chiếc máy xúc phải rất vất vả để đưa nó lên khỏi lòng đất.
Sau thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học chỉ vừa công bố khám phá của họ trên tạp chí khoa học danh tiếng của Mỹ. Phần còn lại của con Pelagornis sandersi đang được trưng bày tại Bảo tàng Charleston.