Theo News-Medical, loại thuốc gây bất ngờ đó là venetoclax, được phát triển dưới sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu y khoa Walter và Eliza Hall (WEHI - Úc) và Tập đoàn Roche.
Việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus (ART) hiện nay hầu như chỉ dừng lại ở mức kìm hãm căn bệnh, giữ cho nồng độ virus ở mức thấp nhất có thể để hạn chế tác động đến bệnh nhân và tránh lây lan.
Nguyên nhân khiến căn bệnh không thể trị khỏi chính là các tế bào HIV "im lặng" có thế tránh đòn tấn công của ART. Chúng ở trong tình trạng ngủ đông khi người bệnh dùng ART nhưng sẽ thức dậy lập tức bất cứ khi nào ngừng thuốc. Venetoclax đã làm được điều bất ngờ là tấn công các tế bào HIV im lặng này, cũng như trì hoãn cuộc tấn công tiếp theo của virus.
Thuốc này cũng có thể được kết hợp với các thuốc sẵn có khác để tăng lên hiệu quả, theo nghiên cứu kết hợp giữa WEHI và Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty (thường được gọi tắt là Viện Doherty - Úc).
"Từ lâu người ta hiểu rằng một loại thuốc có thể không đủ để loại bỏ HIV. Phát hiện này ủng hộ lý thuyết đó, đồng thời khám phá tiềm năng mạnh mẽ của venetoclax như một vũ khí chống lại ung thư" - TS Philip Aranjelovic từ WEHI, một trong các tác giả chính, cho biết.
Sau thành công của các bước thử nghiệm tiền lâm sàng, các nhà khoa học đang tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân ở Đan Mạch và Úc, dự kiến triển khai từ năm 2024.
Việc khám phá ra tác dụng bất ngờ của một loại thuốc sẵn có, đã được chứng minh là an toàn, là dạng phát hiện đặc biệt có giá trị trong y học. Điều này giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian thử nghiệm cũng như công sức nghiên cứu, rút ngắn thời gian để bệnh nhân có thể tiếp cận.
Thông tin từ Daily Mail, ngày 24/7, người thứ 6 trên thế giới đã được chữa khỏi HIV có biệt danh "bệnh nhân Geneva".
Người đàn ông này ở Thụy Sĩ, độ tuổi 50 được xác nhận không còn nhiễm HIV kể từ khi được ghép tủy xương điều trị bệnh bạch cầu vào năm 2018.
Các xét nghiệm liên tục sau đó không phát hiện HIV trong máu bệnh nhân nữa nên các bác sĩ đã chỉ định ngừng dùng thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân kể từ tháng 11/2021.
Bệnh nhân người Thụy Sĩ này đã sống chung với HIV kể từ những năm 1990 và được điều trị bằng thuốc kháng virus. Liệu pháp ART dành cho bệnh nhân sử dụng kết hợp các loại thuốc điều trị HIV mỗi ngày.
5 bệnh nhân trước đó khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương từ người hiến chứa đột biến gene CCR5 delta 32. Đây là loại đột biến gene ngăn cản HIV xâm nhập vào hệ miễn dịch nhờ tạo ra các tế bào kháng HIV một cách tự nhiên.
Nguyễn Linh(T/h)