Vừa qua, trên các diễn đàn hội chị em liên tục chia sẻ câu chuyện về một người mẹ ở Hà Nội tá hoả khi phát hiện trong cặp xách của con trai lớp 10 có bao cao su. Ngay sau đó, người mẹ đã có hành động gây tranh cãi, không ít người cho rằng: Người mẹ giận quá cư xử mất khôn.
Giận tím mặt vì con giấu bao cao su
Chị Minh Hường (45 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, mới đây trong một lần vô tình lục cặp xách của con trai lớp 10, chị vô tình phát hiện trong túi con có hai chiếc bao cao su. Hốt hoảng, chị đã gọi con trai vào và hỏi rõ sự việc, tuy nhiên chị chỉ nhận được câu trả lời là: “Con không biết, chắc tụi bạn cố tình bỏ vào cặp xách để trêu con”. Hỏi đi hỏi lại vẫn là câu trả lời đó nên chị tát con trai 2 cái đau điếng.
Trước hành động bất ngờ của mẹ, cậu con trai không nói gì mà lặng im, nước mắt chảy dài hai bên. Cũng từ hôm đó, Tuấn- con trai chị Hường không nói không cười, đi học về là lầm lũi lên phòng. Bố mẹ có hỏi gì cũng chỉ ậm ừ rồi quay mặt đi.
Chị Hường đã tát con vì thiếu kiềm chế- Ảnh minh hoạ. |
Chị Hường lo lắng nên dò hỏi mấy cậu bạn của con trai và biết, cậu bé có người yêu từ cách đây 2 tháng, cô bé đó học cùng lớp với con trai chị. Khi đó, chị sốc toàn tập và quyết tâm nói rõ mọi chuyện với chồng để tìm cách tháo gỡ vướng mắc.
Cùng cảnh ngộ với chị Hường, chị Mai Nga (Hà Nam) cũng từng mất ăn mất ngủ vì con yêu sớm. Chị Nga kể: “Con trai tôi lớp 12, có bạn gái và các cháu công khai yêu đương với nhau. Khi biết chuyện tôi vô cùng lo lắng và ra sức cấm đoán con. Tuy nhiên, con không chịu từ bỏ mà còn cùng bạn gái bàn kế hoạch “trốn” vào Sài Gòn. Mọi chuyện bại lộ khi mẹ cô bé kia gọi điện báo với tôi. Khi đó, khỏi phải nói tôi tăng xông thế nào”.
Cũng may, chồng chị Nga vốn là người “hiểu chuyện”, anh đã bàn với vợ gọi các con về nhà và nhỏ nhẹ nói chuyện. “Chồng tôi nói không phải đối chuyện yêu đương, nhưng anh khuyên các con nên tạm thời giữ khoảng cách để lo chuyện thi đại học. Xong xuôi rồi tính tiếp”, chị Nga kể. Thấy bố mẹ lo lắng, lại không cấm đoán nên đôi bạn trẻ đã quyết tâm học hành và đều đỗ đại học.
Lạt mềm buộc chặt
Thông qua hai trường hợp trên, chuyên gia tâm lý, ThS. Lê Thảo (Trung Tâm kỹ năng sống Rồng Việt) cho rằng, một số bậc phụ huynh khi thấy trong ba lô con có bao cao su thì hốt hoảng, chỉ muốn kêu con về ngay mà truy hỏi dồn dập như: “Con lấy cái này ở đâu ra? Tuổi đang nhỏ mà bày đặt đua đòi”, “Chúng mày đã làm những gì rồi”,… Tuy nhiên, điều vô cùng quan trọng là đánh dấu con bạn bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu về giới tính và người lớn thực sự phải vui mừng là con bạn đang biết tự bảo vệ an toàn cho bản thân và cho cả những người khác.
“Sau khi đã cảm thấy an tâm thì bước tiếp theo là xây dựng một buổi nói chuyện tâm tình cùng con như một người bạn để có thể biết nguồn gốc của “vũ khí tối tân” con trai ở đâu có và cũng nên hướng dẫn con dùng nó trong trường hợp nào. Nếu mẹ ngại ngùng thì xi nhan để bố nói chuyện cùng con. Điều quan trọng là con cảm giác tin tưởng gia đình, tin tưởng người chỉ đường để nói ra mọi chuyện bí mật. Đó có thể là sản phẩm trong một bài thuyết trình về giáo dục giới tính của con, cũng có thể là một tiết tư duy sáng tạo và con đang tìm hiểu để gắn cho nó chức năng mới”, chuyên gia Lê Thảo phân tích.
Chuyên gia tâm lý, Ths. Lê Thảo. |
Cũng theo chuyên gia Lê Thảo, khi nói chuyện với con bố mẹ phải giữ tâm thế thoải mái, thật lòng muốn chia sẻ cùng con.
“Phụ huynh nên tránh kiểu truy xét, nói năng nặng lời, việc này sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi và không dám nói thật. Muốn con chia sẻ và tin tưởng thì gia đình phải mang đến cho trẻ cảm giác an toàn. Khi trẻ mở lòng nói về các mối quan hệ, những vướng mắc cuộc sống thì lúc đó đã có sợi dậy kết nối. Đừng vội vàng phán xét, không so sánh cân đo. Chỉ cần gật đầu để nghe con kể hết mọi chuyện trước. Khi con nói ra được mọi thứ trong lòng chắc hẳn con cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Khi nào tâm lý con thực sự thoải mái, vui vẻ thì lúc đó mới bắt chuyện và dẫn dắt theo hướng cha mẹ. Hãy trao đổi với con bằng sự nhẹ nhàng tình cảm. Luôn tránh lối nói kiểu ra lệnh và chỉ huy đáp đặt lên trẻ. Nhất là trẻ mới lớn, cái tôi cá nhân rất lớn nên nếu luôn yêu cầu trẻ cảm thấy khó chịu và có xu hướng chống đối. Hãy nhớ: Lạt mềm buộc chặt”.
Chuyên gia Lê Thảo phê phán những ông bố mà mẹ đánh con và cho rằng: “Đánh con chưa bao giờ được gọi là một cách giải quyết, mọi việc giải quyết bằng bạo lực chỉ dẫn đến vấn đề trở nên trầm trọng và rơi vào hố sâu. Nhất là khi con đang yêu, cấm con yêu thì con càng yêu nhiều hơn và chạy theo con đường tình yêu quên luôn đường về nhà. Tốt nhất là làm bạn cố vấn cho con trong tình yêu, chỉ đường và định hướng cho con. Việc đánh con làm trẻ rơi vào cảm xúc bất cần và tổn thương. Một khi trẻ cảm giác bất cần thì mọi lời nói về sau đều trở nên vô nghĩa. Có nhiều cách để hướng dẫn con yêu một ai đó văn minh, trong sáng. Để giúp con trân trọng những rung động đầu đời tại sao không chọn mà chọn một con đường làm cho bầu không khí gia đình căng thẳng và vấn đề ngày một đi xa”.
Phương Anh