"Bức cung, nhục hình là nguyên nhân dẫn đến oan sai, và điều này cần chấm dứt vì nó để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan tư pháp. Nguyên nhân là do cán bộ điều tra còn chủ quan nóng vội, do cán bộ điều tra chưa thấm nhuần đức nhà Phật", thượng tọa Thích Thanh Quyết cho hay.
Sáng nay 5/6, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Báo cáo giám sát của UBTVQH nêu rõ, về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, của Hiến pháp thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết "Nguyên nhân bức cung, nhục hình là do chưa thấm nhuần đức nhà Phật" (Ảnh: Lao Động). |
Trong 3 năm vừa qua, còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật…
Bên cạnh việc để xảy ra các trường hợp làm oan người vô tội, kết quả kỳ giám sát này còn cho thấy quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những thiếu sót, sai phạm trong việc áp dụng pháp luật.
Tại phiên thảo luận, thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng, tỷ lệ án oan sai trong điều tra, tố tụng hình sự hiện nay là rất nhỏ trong tổng số các vụ án được điều tra, xét xử. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đáng lưu ý và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải cố gắng để không xảy ra thêm các vụ án oan sai.
“Thời nhà Lê, vua Lê còn xử oan cho Nguyễn Trãi, một công thần của mình trong vụ án Lệ Chi Viên. Nhà Phật chúng tôi, có nghìn mắt, nghìn tay nhưng vẫn có câu chuyện xử oan cho Thị Kính đến khi chết”, dẫn... ví dụ này, thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng, báo cáo về tình hình oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ nhấn mạnh tới oan sai mà chưa nói tới “thành tích phá án gian nan của các cơ quan tố tụng”.
Đặc biệt, thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng: "Bức cung nhục hình là nguyên nhân dẫn đến oan sai, và điều này cần chấm dứt vì nó để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan tư pháp. Nguyên nhân, là do cán bộ điều tra còn chủ quan nóng vội, do cán bộ điều tra chưa thấm nhuần đức nhà Phật”.
Cũng tại phiên thảo luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Sĩ Cương cũng nhìn nhận một trong những nguyên nhân gây oai sai là sự quá tải của cơ quan điều tra. "Một điều tra viên thụ lý trung bình 30-40 vụ án, cá biệt thụ lý tới 70 vụ án, trong khi số vụ án này càng gia tăng". Ông Cương cũng cho biết, để chấm dứt bức cung, nhục hình thì cần phải kiên quyết xử lý cán bộ điều tra. Xem xét xử lý trách nhiệm của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, nhất là những trường hợp có biểu hiện nương nhẹ.
Sân bay Long Thành sẽ 'không có đối thủ trong khu vực' Đây là một phát ngôn "gây sốc" tại phiên thảo luận sáng ngày 4/6 của Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) về dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Ông Bình cho rằng, trên bản đồ hàng không quốc tế, thì Long Thành là tâm điểm của các đường bay và có lợi thế nhất so với các sân bay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Long Thành sẽ là sân bay không có đối thủ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với vị thế trời cho như thế, Long Thành sẽ là sân bay bận rộn nhất khu vực trong tương lai gần. Sân bay Long Thành sẽ biến Việt Nam là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, bảo dưỡng máy bay, du lịch…của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương…”, ĐB Bình nói. |
H. NGUYÊN