Sự việc xảy ra tại Trung tâm giáo dục sớm Hồng Hoàng Lam ở thành phố Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cụ thể, một nữ giáo viên đã bịt mắt học sinh, sau đó đẩy em bé xuống đất mà không quan tâm đến nỗ lực chống cự của bé. Hành động của cô giáo không chỉ 1 lần mà lặp đi lặp lại ít nhất 5 lần.
Điều đáng nói là trong quá trình cô giáo hành hạ cháu nhỏ có sự chứng kiến của phụ huynh đứng bên ngoài. Không những không ngăn cản bố mẹ cháu nhỏ còn đồng ý với "phương pháp giáo dục" của giáo viên trên. Họ cho rằng hành động của cô giáo là đang khai mở tâm trí cho con nhỏ.
Sau khi đoạn video được đăng tải nhiều người dùng mạng đã tỏ ra phẫn nộ và chỉ trích cô giáo trên.
Rất nhanh phía nhân viên Trung tâm giáo dục sớm Hồng Hoàng Lam giải thích rằng em bé này là một đứa trẻ đặc biệt, cần phải sử dụng các phương pháp đặc biệt để kích thích nhận thức.
Tuy nhiên, lời giải thích này không được đông đảo mọi người chấp nhận. Họ cho rằng hành vi của nữ giáo viên rõ ràng là bạo hành trẻ em:
"Ngay cả khi phụ huynh đang quan sát cũng không nên đối xử như vậy với trẻ em, đây là hành vi bạo hành"
"Trẻ em càng cần được đặc biệt yêu thương, giáo dục các em cần phải vô cùng kiên nhẫn, không được sử dụng bạo lực"
"Phương pháp này thực sự đặc biệt đó, đặc biệt giống như cách bạo hành trẻ em"
"Phương pháp đặc biệt có nghĩa là hành động tổn thương người khác à?"
"Thật là vô lý, rõ ràng đây là hành động bạo hành trẻ em, gây tổn thương tâm lý lớn cho trẻ".
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Theo kết quả điều tra mới nhất, sự việc diễn ra vào khoảng 17h ngày 30/6 tại Trung tâm giáo dục sớm Hồng Hoàng Lam. Đứa trẻ được mẹ đưa tới để tham gia buổi đào tạo "tích hợp giác quan", "khai mở tâm trí" của trung tâm. Phụ huynh có thể theo dõi toàn bộ quá trình qua video trong phòng chờ.
Các cơ quan chức năng đang làm rõ về tổ chức, phương pháp đào tạo của trung tâm và giáo viên liên quan.
Rất nhiều gia đình không may phát hiện trẻ có dấu hiệu tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển đều tỏ ra lúng túng, không biết giáo dục đặc biệt là gì? Giáo dục trẻ đặc biệt như thế nào? Đầu tiên, các bạn cần hiểu đúng giáo dục đặc biệt là gì? Đây là chương trình giáo dục đặc biệt được thiết kế, xây dựng dành riêng cho những trẻ có nhu cầu đặc biệt, những trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển thể chất, tinh thần, tình cảm, khả năng nhận thức…
Thực tế giáo dục cho trẻ đặc biệt không hề dễ dàng, đòi hỏi phải kết hợp sử dụng nhiều phương pháp can thiệp sớm đúng đắn, phù hợp với từng mức độ, tình trạng của trẻ dựa trên những nguyên tắc giáo dục nhất quán.
Việc giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói, trẻ tăng động có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thực sự rất cần thiết. Bởi việc áp dụng các chương trình giáo dục đặc biệt, các phương pháp can thiệp sớm, kỹ năng, cách thức chăm sóc trẻ đặc biệt sẽ đảm bảo cho trẻ có thể sống và hòa nhập với xã hội một cách bình thường như bao đứa trẻ cùng lứa tuổi khác.
Dù là giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ hay trẻ chậm nói, trẻ chậm phát triển, trẻ tăng động thì cũng cần phải thực hiện dựa trên những nguyên tắc giáo dục chung sau đây:
Nguyên tắc tiệm tiến:
Việc giáo dục cho những đứa trẻ bình thường vốn đã không phải chuyện dễ dàng, với trẻ đặc biệt lại càng trở nên gian nan và nhiều áp lực hơn, đòi hỏi phải xác định kế hoạch giáo dục lâu dài trong nhiều năm liền. Đặc biệt, khi tìm kiếm và áp dụng các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ đặc biệt nên được tiến hành từ từ, từng chút một, từng giai đoạn một cách nhẹ nhàng, bền bỉ, tránh dồn ép tạo thêm căng thẳng cho trẻ.
Nguyên tắc nhất quán:
Khi tiến hành giáo dục sớm cho trẻ đặc biệt, cần phải xác định và đặt ra những mục tiêu lâu dài, mục tiêu trước mắt và kiên định đi thực hiện theo mục tiêu đã đề ra bằng những phương pháp can thiệp sớm phù hợp. Trong quá trình thực hiện những mục tiêu cần phải hoàn thành theo ngày, theo tuần, các bạn có thể linh động điều chỉnh thời gian, phương pháp, cách giáo dục sao cho phù hợp với thực tiễn, tránh rập khuôn, cứng nhắc nhưng tuyệt đối tránh thay đổi mục tiêu ban đầu.
Nguyên tắc đảm bảo sự liên tục:
Vai trò của cha mẹ trong quá trình giáo dục đặc biệt cho trẻ là rất lớn, góp phần quan trọng trong thành công can thiệp tại nhà ở trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển. Chính bởi vậy, đừng tỏ ra chán nản, hay mệt mỏi mà bỏ dở giữa chừng. Điều này sẽ gây gián đoạn và khiến cho quá trình giáo dục, chăm sóc trước đó trở thành công cốc. Do đó, việc giáo dục cho trẻ đặc biệt cần được đảm bảo liên tục, bền bỉ, cho dù có bận rộn với công việc đến mấy thì vẫn phải cân đối để có khoảng thời gian nhất định dành cho việc quan tâm, dạy dỗ và chăm sóc trẻ.
Nguyên tắc đơn giản:
Khi áp dụng những kỹ năng dạy trẻ chậm nói, trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển, cần đơn giản hóa mọi kế hoạch, chương trình giáo dục. phương pháp giáo dục cho trẻ đặc biệt như nào càng đơn giản, ngắn gọn, nhẹ nhàng, dễ hiểu càng đem lại cảm giác thoải mái, vui vẻ cho trẻ, càng làm tăng hiệu quả can thiệp. Tránh áp dụng những phương pháp giáo dục nặng nề, máy móc, vượt quá khả năng của trẻ.
Thực tế giáo dục cho trẻ đặc biệt không có một giáo án nào cố định. Bởi mỗi trẻ lại có những dấu hiệu, biểu hiện, nhận thức không giống nhau. Chính vì vậy các hoạt động, bài tập can thiệp cũng được thiết kế khác nhau để phù hợp, tuyệt đối không đốc thúc hay giáo dục bằng tay chân khiến tổn thương tình thần trẻ.
Thùy Dung(T/h)