Ngày 19/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã tham gia cuộc phỏng vấn với tờ báo Italy Corriere Della Serra sau khi Helsinki chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong cuộc phỏng vấn, bà Marin đã được hỏi về bình luận của người đồng cấp Thuỵ Điển, nói rằng nước này không muốn NATO triển khai vũ khí hạt nhân và mở căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ.
Lên tiếng về vấn đề này, giọng điệu của bà Marin có phần mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, bà cho biếtPhần Lan cũng đồng quan điểm với Thuỵ Điển, đồng thời khẳng định Helsinki sẽ tự mình đưa ra quyết định cuối cùng chứ không phải do ai tác động.
Bà Marin chia sẻ: "Đó không phải là một cuộc tranh luận thực tế, chủ đề này không phải là một phần của các cuộc đàm phán. Đây là các quyết định của mỗi quốc gia. Sẽ không có ai đến gặp chúng tôi để áp đặt vũ khí hạt nhân hoặc căn cứ vĩnh viễn nếu chúng tôi không muốn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chủ đề này không có trong chương trình nghị sự".
Nga và Phần Lan có chung đường biên giới dài hơn 1.330km. Do đó, việc Phần Lan gia nhập NATO chắc chắn không phải một tin mừng với Nga.
Được biết, ngày 15/5 vừa qua, chính phủ Phần Lan đã chính thức tuyên bố sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO sau một thời gian cân nhắc quyết định này. Ngay sau đó, Thuỵ Điển cũng đã công bố kế hoạch tương tự. Vào ngày 18/5, 2 đại sứ Phần Lan và Thuỵ Điển đã đến trụ sở NATO và tự tay nộp đơn xin gia nhập khối cho Tổng thư ký Jens Stoltenberg. Ông Stoltenberg đã gọi đây là một "động thái mang tính lịch sử" và bày tỏ sự chào đón đối với 2 quốc gia Bắc Âu này.
Để trở thành thành viên NATO, Phần Lan và Thuỵ Điển sẽ cần nhận được sự chấp thuận của 30 quốc gia thành viên khối. Trong khi nhiều nước phương Tây bao gồm Anh, Pháp, Mỹ đã công khai bày tỏ sự ủng hộ với quyết định, 2 quốc gia NATO khác là Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia đã đưa ra động thái phản đối việc kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển.
Minh Hạnh (Theo Insider)