+Aa-
    Zalo

    Phận đời cay đắng của người đàn bà không biết...đẻ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi phát hiện cụ không sinh được con, người chồng đó đã trở mặt, đánh đập tàn nhẫn rồi đuổi cụ ra khỏi nhà để cưới vợ khác.

    (ĐSPL) - Cha qua đời sớm vì tai nạn, cụ phải một mình gồng gánh nuôi mẹ già và anh trai bị bệnh tật. Một chàng trai trong làng thương cảm đã xin lấy cụ về làm vợ. Nhưng khi phát hiện cụ không sinh được con, người chồng đó đã trở mặt, đánh đập tàn nhẫn rồi đuổi cụ ra khỏi nhà để cưới vợ khác. Bố mẹ chồng vì thèm khát cháu nội cũng đồng tình với việc làm của con trai. Cụ đành chấp nhận tủi nhục trở về nhà mẹ đẻ.

    Sóng gió liên tục ập đến với cụ. Mẹ qua đời vì tai biến mạch máu não, không lâu sau anh trai đổ bệnh. Bao nhiêu tiền của đều đội nón ra đi, ngay cả căn nhà cụ cũng bán nốt, nhưng anh trai vẫn không qua khỏi. Đến nay, ngoài 80 tuổi, không nhà, không người thân, cụ đang phải sống lay lắt trên con thuyền cũ nát ở xóm Cửa Tiền. Cụ bà đáng thương được chúng tôi nhắc đến chính là Lê Thị Thành (83 tuổi) trú tại xóm Cửa Tiền, phường Vinh Tân, TP. Vinh (Nghệ An).

    Bị đuổi ra đường vì tội “không biết đẻ”

    Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, tiểu sử của cụ Thành là những chuỗi ngày tủi cực, chan chứa nước mắt. Chính bản thân cụ cũng không thể cầm nước mắt, khi kể cho chúng tôi nghe về quãng đời cay đắng cụ phải trải qua.

    Cụ Thành sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Cha qua đời sớm vì tai nạn, một mình cụ phải gánh vác công việc gia đình. Mẹ cụ đau ốm suốt, anh trai bị mắc bệnh nên không lấy được vợ. Vốn là một cô gái thông minh, xinh xắn, cụ được rất nhiều người để ý. Nhưng họ không dám nói đến chuyện hôn nhân, bởi gia cảnh nhà cụ quá nghèo. Nhưng rồi cũng có một chàng trai trong làng thương cảm ngõ ý muốn lấy cụ làm vợ. Thấy người đàn ông đó hiền lành, hơn nữa lại gần nhà, cụ Thành đã đồng ý nên duyên vợ chồng.

    Phận đời cay đắng của người đàn bà…không biết đẻ
    Cụ Lê Thị Thành kể về cuộc đời cay đắng của mình

    Cuộc sống tuy vất vả nhưng hai người sống với nhau rất vui vẻ và đầm ấm. Người chồng cũng tỏ ra rất quan tâm mẹ và anh trai của cụ Thành, khiến lòng người đàn bà ấy thấy hạnh phúc. Thế nhưng cuộc đời thật trớ trêu, lấy nhau nhiều năm rồi, cụ Thành vẫn không sinh được con. Mái ấm nhỏ bắt đầu xuất hiện những lục đục. Biết phận mình, cụ Thành đã âm thầm đi chữa trị khắp nơi, nhưng kết quả vẫn không được gì.

    Về phần người chồng, khi biết vợ không có khả năng đẻ, anh ta đâm ra chán nản, suốt ngày rượu chè, cờ bạc. Trước những bàn tán của người đời và lời mắng nhiếc của bố mẹ chồng, cuộc sống của hai người luôn căng thẳng. Mỗi lần uống rượu, anh ta lại trút những trận đòn “thừa sống thiếu chết” lên người vợ. Dù vậy, cụ Thành vẫn âm thầm chịu đựng, hi vọng số phận của mình sẽ thay đổi.

    Không những đánh đập vợ, người đàn ông này còn lôi vợ rêu rao từ làng trên đến xóm dưới vì “cái tội” không biết đẻ. Và cái ngày định mệnh đó cũng đến. Vào một hôm giông bão, người chồng trói cụ lại, giật tóc lôi vợ ra ngoài đường rồi tuyên bố sẽ lấy người vợ khác, để có người nối dõi tông đường. Cụ Thành cố van xin nhưng người chồng càng đánh đập dã man hơn. Người mẹ nghe tin con gái bị đánh đập, đuổi ra khỏi nhà liền bảo anh trai lên đưa em về. Từ đó, mấy mẹ con dựa vào nhau mà sống.

    Chưa đầy 30 tuổi, cụ trở thành người phụ nữ không chồng, không con, sống nương tựa vào mẹ già cùng người anh bệnh tật. Mặc dù có rất nhiều người đồng cảm với hoàn cảnh, muốn cùng cụ nên nghĩa vợ chồng nhưng vì sợ dẫm lên “vết xe đổ” ngày xưa, cụ tự hứa không bao giờ đi thêm bước nữa.

    Cứ tưởng cuộc sống như vậy là yên bình, nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Mẹ cụ Thành bỗng qua đời vì tai biến mạch máu não. Một mình cụ phải bươn chải kiếm tiền nuôi và chữa bệnh cho anh trai. Bệnh tình anh trai ngày càng trầm trọng, bác sỹ thông báo phải mất nhiều tiền mới phẫu thuật được. Thương anh, cụ Thành bán tất cả những gì đáng giá và vay mượn khắp nơi chữa trị cho anh.

    Sau khi phẫu thuật xong, sức khỏe anh có vẻ chuyển biến tốt. Nhưng chỉ hai tháng sau, căn bệnh của anh lại tái phát. Trong nhà đã khánh kiệt, không còn cách nào khác, cụ đành chấp nhận bán căn nhà đang ở để chữa trị cho anh. Nhưng rồi người anh trai cũng không thể qua khỏi và để lại cho cụ một khoản nợ khổng lồ. Lo ma chay cho anh xong, vì không có nhà để thờ cúng nên cụ đã gửi di ảnh của anh và mẹ vào trong ngôi chùa ở gần nhà.

    Sống lay lắt qua ngày

    Để trả hết các khoản nợ vay trước đó, cụ phải ra Hà Nội đi làm thuê. Làm được bao nhiêu cụ đều dành dụm để trả nợ. Khi trả xong khoản nợ 70 triệu đồng, cũng là lúc sức khỏe cụ có dấu hiệu đi xuống. Các công ty ở Hà Nội không thể nhận cụ vào làm việc. Cụ đành xin đi rửa bát ở các quán phở, buổi tối tranh thủ đi nhặt ve chai về bán. Thế nhưng, thu nhập cũng không đủ cho cụ trang trải cuộc sống. Rồi cụ khăn gói trở về quê để sống. Cuộc sống ở quê càng vất vả và khó khăn hơn nhiều bởi nhà cửa không, ruộng đất không. Hàng ngày cụ đi nhặt phế liệu, đêm về phải ngủ dưới túp lều tranh ở hầm cầu.

    Phận đời cay đắng của người đàn bà…không biết đẻ
    Cụ Thành đang phải lay lắt sống qua ngày nhờ tình thương của những người xóm Cửa Tiền

    Nhớ lại hồi trước, khi còn sống mẹ có nói ở phường Vinh Tân (TP. Vinh) có một người dì đang sống ở đó, thế là cụ bắt đầu hành trình đi tìm người thân. Hỏi thăm mãi cũng không ai biết về người dì mà cụ miêu tả. Sau một tháng không tìm thấy người thân, hết tiền, cụ Thành phải dạt vào chợ Vinh làm nghề bốc vác để kiếm ăn qua ngày. Hàng ngày, ai thuê gì cụ làm nấy. Đêm về, cụ ngủ tạm trước những ốt hàng. Nhiều đêm sợ bảo vệ chợ Vinh phát hiện, cụ phải xuống chân cầu Cửa Tiền để ngủ. Thiếu ăn, thiếu mặc lại ngủ đầu đường xó chợ, khiến cho sức khỏe cụ ngày càng kiệt quệ.

    Thấy số phận cụ Thành hẩm hiu, một người tốt bụng đã bán rẻ con thuyền của họ cho cụ. Để có chỗ chui ra, chui vào, cụ lấy hết số tiền 2 triệu đồng dành dụm được để mua lại. Kể từ đó đến nay, cụ sống trong chiếc thuyền cũ nát ấy.

    Hàng ngày, để có tiền ăn, cụ lê lết đi nhặt ve chai, mò cua bắt ốc ở cầu Cửa Tiền để mưu sinh. Thu nhập nhiều nhất trong một ngày vất vả của cụ chỉ được khoảng 10.000 đồng. Số tiền đó chỉ đủ cho cụ mua gạo và nước mắm để chan ăn tạm cho qua bữa. “Chắc tôi không còn sống được bao lâu nữa. Trước khi chết, tôi mong muốn được một lần trở về quê thăm lại ngôi chùa mà trước đây tôi gửi di ảnh mẹ và anh trai”, cụ Thành tâm sự.

    Hiện nay, sức khỏe của cụ đã yếu hẳn, không thể đi lại được nhiều nữa. Cụ Thành đang phải sống lay lắt từng ngày nhờ tình thương của những người dân xung quanh. Mỗi khi mưa gió, cụ phải nương nhờ vào ở nhà nhà dân. “Bà cụ tội lắm. Không có ai thân tích, một mình cụ sống trong chiếc thuyền đó. Những hôm trời mưa bão, sợ gió cuốn trôi cụ, chúng tôi phải ra đưa cụ vào nhà ngủ. Mấy hôm thấy cụ không ra khỏi thuyền, xuống hỏi thăm mới biết cụ nằm ốm la liệt. Chúng tôi phải góp tiền đưa cụ vào viện để điều trị. Nhìn hoàn cảnh đó ai cũng thương”, anh Mạnh - một người dân sống gần chiếc thuyền của cụ Thành cho biết.

    Ông Trần Đình Hợp, trưởng xóm Cửa Tiền, phường Vinh Tân (TP. Vinh) cho biết: “Hoàn cảnh cụ Thành rất đáng thương. Không nhà, không người thân, không nơi nương tựa, cụ đang lay lắt để sống qua ngày. Địa phương và người dân đã giúp đỡ rất nhiều, nhưng cuộc sống của cụ vẫn còn bấp bênh lắm. Có lẽ mong muốn cuối đời của cụ sẽ không thực hiện được, bởi bây giờ cụ không còn nhớ rõ địa chỉ nơi mình sinh ra nữa”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phan-doi-cay-dang-cua-nguoi-dan-ba-khong-bietde-a54296.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan