+Aa-
    Zalo

    Phản cảm mẹ con Thạch Sanh cởi chuồng: “Tin bợm, mất bò”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - “Chính việc nhà xuất bản “bán giấy phép” cho nhà phát hành để thu lợi nhuận nhưng không quan tâm đến nội dung dẫn đến không ít sai sót.

    (ĐSPL) - “Chính việc nhà xuất bản “bán giấy phép” cho nhà phát hành để thu lợi nhuận nhưng không quan tâm đến nội dung dẫn đến không ít sai sót khi sách đã bán ra thị trường...”, PGS.TS.Phạm Văn Tình (viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) bức xúc.
    Thưa ông, như đã phản ánh, cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” do nhà xuất bản Kim Đồng xuất hiện những tình tiết phản cảm, bạo lực, không phù hợp với các em nhỏ. Vậy, để những cuốn sách này tràn lan ra thị trường, lỗi bắt đầu từ khâu nào?

    PGS.TS Phạm Văn Tình (viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam).

    Trước hết thuộc về khâu biên tập, tổ chức bản thảo. Nguồn cung cấp bản thảo cho các nhà xuất bản thì có nhiều: Do cơ quan Nhà nước, do các tổ chức có chuyên môn khác nhau, do một cá nhân nào đó… Bản thảo về qua khâu thẩm định, biên tập của các NXB.
    Nếu biên tập viên và những người chịu trách nhiệm cẩu thả, thiếu trách nhiệm, làm đại khái thì rất dễ xảy ra sai sót. Cũng có khi họ là những người nghiêm chỉnh, có trách nhiệm nhưng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ non yếu thì vẫn xảy ra những sai sót ngoài ý muốn…
    Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong việc để lọt sách nhảm được xuất bản ra thị trường, thưa ông?
    Như tôi vừa nói, lỗi đầu tiên thuộc về mỗi nhà xuất bản có sách vừa in. Họ là người “lính gác” đầu tiên tiếp xúc và xử lý bản thảo. Họ có chức năng, quyền hạn và trình độ chuyên môn riêng (sách văn học, từ điển, sách thiếu nhi, sách phổ biến kiến thức, sách pháp luật…); vì vậy, mỗi nhà xuất bản có một “vùng lãnh thổ”, là thế mạnh của họ. Chính họ là người biết rõ nhất trách nhiệm của họ cần phải làm gì.
    Đó là chọn sách sao cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mỗi nhà xuất bản. Trong tay nhà xuất bản cũng có đội ngũ biên tập (hoặc chuyên gia) có trình độ về vấn đề ấy. Vậy thì ai còn có khả năng thẩm định tốt hơn họ?

    Các chi tiết trong sách Thạch Sanh vấp phải phản ứng.

    Có hay không việc liên kết giữa nhà xuất bản và nhà phát hành? Nghĩa là xin “giấy phép khống” và khi xuất bản cuốn sách nào chỉ cần điền tên cuốn sách vào nên không qua các khâu kiểm duyệt?
    Rõ ràng là có việc liên kết giữa nhà xuất bản với các nhà sách, các tổ chức phát hành kể cả Nhà nước và tư nhân. Vấn đề là ở chỗ, nhà xuất bản phải chủ động và có trách nhiệm. Việc phó mặc cho đối tác liên kết “tự tung tự tác” (miễn là nộp lợi nhuận cho nhà xuất bản) rất dễ xảy ra sai sót. Không ít nhà xuất bản “bán” giấy phép, để các đầu nậu tự lo mọi thứ, chỉ khi sách in ra, nộp lưu chiểu rồi mới phát hiện ra lỗi này lỗi nọ. Lúc đó thì mọi việc đều đã muộn. “Tin bợm, mất bò” là thế đó.
    Xem thêm video: Phản cảm cảnh quái xế đèo trẻ em, vẫn đánh võng trên đường.

    Sau mỗi lần báo chí đăng tải về những cuốn sách sai phạm dành cho trẻ em bày bán tràn lan, lãnh đạo cục Xuất bản lại cho hay, sẽ kiểm tra và xử lý nhà xuất bản. Vậy trách nhiệm của cục Xuất bản như thế nào, thưa ông?
    Với tư cách là cơ quan quản lý, cục Xuất bản phải có một cách thức theo dõi, quản lý, điều hành sao cho việc giám sát của Cục đạt hiệu quả tốt nhất. Cục Xuất bản không thể phó mặc cho các nhà xuất bản làm mọi thứ rồi đến khi có “sự cố” mới tá hỏa chạy theo giải quyết hậu quả...
    Hướng xử lý các sách vi phạm mà đã được xuất bản ra ngoài thị trường ra sao, thưa ông?
    Lĩnh vực này thuộc về các cơ quan xuất bản và quản lý xuất bản phẩm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phải có quy định, chế tài chặt chẽ trong việc thẩm định, đánh giá và xử lý những trường hợp xuất bản sách có vấn đề sai sót, tùy theo mức độ nặng nhẹ. Có lẽ cũng nên có những hội thảo, những hội nghị chuyên về xuất bản để trao đổi, rút kinh nghiệm, nhằm từng bước lành mạnh hóa và đưa hoạt động xuất bản vào quy củ. Dĩ nhiên, phải mời các cơ quan hữu quan cùng tham gia thảo luận, vì sự nghiệp xuất bản là của toàn dân. Tiếng nói chung của dư luận xã hội, của cộng đồng văn hóa đọc cũng rất cần thiết.
    Trân trọng cảm ơn ông!   

    Cục Xuất bản lên tiếng

    Trước tình trạng bát nháo của sách tham khảo, tại hội nghị tổng kết của ngành xuất bản, ông Chu Văn Hòa (Cục trưởng cục Xuất bản) đã thừa nhận: “Để xảy ra vi phạm là do một số nhà xuất bản đã buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập và liên kết, biên tập không kỹ, thiếu nhạy bén chính trị. Có trường hợp đối tác liên kết đã phát hành sách ra thị trường trong khi nhà xuất bản chưa ký phát hành và nộp lưu chiểu theo quy định”.

    “Năm 2015, cục Xuất bản sẽ ra quân kiểm tra rà soát tất cả các nhà xuất bản trên cả nước, trong đó có những NXB cho ra đời những cuốn sách nhảm. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm NXB, cơ quan quản lý sẽ đưa các nhóm liên kết sai phạm ra “ánh sáng” và xử phạt”, ông Hòa nói.

    Quá lỏng lẻo và tùy tiện!
    Nhà văn Lê Tấn Hiển - một tác giả đã có khá nhiều ấn phẩm viết cho thiếu nhi - cũng bày tỏ quan điểm: “Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đây vẫn là một lỗi không thể chấp nhận được của những người làm sách, biên tập và cơ quan cấp phép. Có thể đó chỉ là đôi ba dòng hay một trang giấy, người lớn chúng ta đọc thì không thấy vấn đề gì, nhưng phải nhớ rằng, đây là sách dành cho thiếu nhi.
    Thử hỏi với những câu chữ gợi dục, nhạy cảm ấy, các em ở tuổi chưa hẳn người lớn, nhưng cũng không còn trẻ con nữa, sẽ nghĩ đến chuyện gì? Và thực chất chuyện có “sạn” trên sách thiếu nhi trong khoảng vài năm trở lại đây đã không phải là việc mới lạ hay chưa từng xảy ra. Ðiều đó càng chứng tỏ, lâu nay công tác cấp phép, biên tập và quản lý ấn phẩm qua các đầu nậu ở ta cực kỳ lỏng lẻo và tùy tiện!”.

    Lỗi chồng lỗi

    Chưa bao giờ tình trạng sai lệch nội dung trong sách tham khảo lại khiến cho phụ huynh và xã hội hoang mang đến vậy. Trên thị trường sách tham khảo cho trẻ em còn tồn tại nhiều cuốn sách sai sót về thông tin, đi ngược lại thuần phong mỹ tục.

    Điển hình như cuốn sách “Phép cộng trừ trong phạm vi 100 đo thời gian cho học sinh lớp 1” với tên tác giả Hoàng Long đã giả mạo giấy phép của NXB Trẻ để lưu hành bất hợp pháp trên thị trường. Điều đáng nói, không chỉ “in chui”, cuốn sách này còn chứa nội dung rất kinh dị với bài toán “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi 2 ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay”.

    Ngay sau đó, cuốn sách “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” do NXB Mỹ thuật liên kết với công ty Đinh Tỵ ấn hành cũng gây xôn xao dư luận vì nội dung phản cảm, từ ngữ dã man.

    Không chỉ có những cuốn sách với nội dung không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi của trẻ mà hiện một số sách tham khảo còn vi phạm nghiêm trọng tới chủ quyền biển đảo của dân tộc. Vừa qua, cuốn sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” do NXB Dân trí phát hành đã in hình cờ Trung Quốc lên sách.

    Gần đây nhất, cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành 10/2014, xuất hiện những tình tiết phản cảm, bạo lực, thiếu chuẩn mực không phù hợp với các em nhỏ.

    Phụ huynh phải là người tiêu dùng thông minh
    TS.Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho hay: “Những cuốn sách dành cho trẻ em có nội dung bạo lực, không phù hợp đã xuất hiện nhiều trên thị trường. Trách nhiệm của người lớn là một chuyện, nhưng chịu tác động nhiều vẫn là con trẻ, các em còn nhỏ sẽ bị ảnh hưởng tới tâm sinh lý sau này. Theo tôi, giữa một “ma trận” thị trường sách tham khảo, phụ huynh phải là người tiêu dùng thông minh”.

    CAO TUÂN - PHẠM HẰNG

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phan-cam-me-con-thach-sanh-coi-chuong-tin-bom-mat-bo-a88742.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan