Hành động của nữ giáo viên khiến mọi người không khỏi phẫn nộ, đặc biệt là khi đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa cô giáo và học sinh được tung ra.
Tờ Global Times vào hôm 1/3 đưa tin, một giáo viên họ Xiao công tác ở trường trung học cơ sở Xinnangu số 2 tại Tân Nam, Thiên Tân (Trung Quốc) đã bị sa thải và thu hồi chứng chỉ giảng dạy vào hôm 27/2, sau khi một đoạn ghi âm cho thấy nữ giáo viên này phân biệt đối xử học sinh bằng cách so sánh thu nhập và địa vị xã hội của gia đình các em được công bố.
Đoạn ghi âm đã gây chấn động dư luận, nhận về sự phản đối kịch liệt từ cộng đồng mạng. Mọi người cũng xôn xao bàn luận về tiêu chuẩn và giá trị đạo đức cần có của người giáo viên. Trước đó, vào hôm 25/2, nữ giáo viên nói trên đã bị đình chỉ công tác.
Trong đoạn ghi âm được đăng tải trên Weibo, nữ giáo viên họ Xiao hỏi một học sinh: “Mẹ em kiếm được bao nhiêu tiền một tháng? Còn bố em thì sao? Đừng trách tôi khinh thường em”.
Chưa dừng ở đó, giáo viên này tiếp tục quát: “Hãy thử so sánh mà xem, mẹ em kiếm tiền 50 năm chưa chắc đã bằng thu nhập của mẹ các bạn khác trong một năm. Em nghĩ rằng em sẽ được đối xử công bằng giống như các bạn đó sao? Không thể nào đâu”.
Có hành vi phân biệt đối xử học sinh dựa vào thu nhập và địa vụ của cha mẹ các em, nữ giáo viên họ Xiao đã bị sa thải và thu hồi chứng chỉ giảng dạy. |
Sau khi sự việc được chia sẻ rầm rộ và gặp nhiều chỉ trích, nữ giáo viên này đã lên tiếng xin lỗi về những lời nói trong đoạn ghi âm: “Tôi luôn coi các học sinh như những đứa con của mình vậy. Nếu các em không học hành chăm chỉ thì không thể sánh bằng bố mẹ được, địa vị trong xã hội cũng sẽ thấp hơn”.
Tuy nhiên, lời xin lỗi của cô giáo càng khiến cư dân mạng phẫn nộ và lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hơn.
Cho đến thời điểm hiện tại, đoạn ghi âm và lời xin lỗi của nữ giáo viên họ Xiao lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội kèm theo hashtag “Giáo viên xin lỗi vì phân biệt đối xử học sinh bằng cách so sánh thu nhập của cha mẹ các em”, thu hút tới hơn 670 triệu lượt xem, có vẻ như chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Nếu giáo viên đánh giá các học sinh dựa vào thu nhập của cha mẹ và đối xử với các em theo những tiêu chuẩn như vậy thì đây sẽ là điều đáng buồn nhất của ngành giáo dục”, một người dùng Weibo để lại bình luận sau khi biết về sự việc.
Ủy ban Tư pháp và Chính trị đã lên án hành vi của giáo viên này trên tài khoản WeChat chính thức vào hôm 28/2: “Không nhắc gì đến đạo đức giáo dục, suốt ngày chỉ nói về tiền bạc, hành động của giáo viên này đã chệch khỏi mục đích ban đầu và bản chất của giáo dục”.
Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia chia sẻ với Global Times: “Để tạo động lực cho học sinh, giáo viên cần tìm hiểu tính cách của mỗi em, từ đó tìm ra những điều có thể thúc đẩy học sinh thay vì phân biệt các em dựa vào thu nhập và nghề nghiệp của phụ huynh. Cách tiếp cận của giáo viên này hoàn toàn sai lầm”.
“Hoàn cảnh gia đình của học sinh chỉ có ảnh hưởng nhỏ và ngắn hạn tới việc giáo dục. Sự phát triển lâu dài của mỗi người phần lớn phụ thuộc vào trí thông minh, tính kiên nhẫn, niềm khát khao, ước mơ và động lực phát triển bản thân”, ông Chu cho biết thêm.
Đinh Kim(Theo Global Times)