+Aa-
    Zalo

    Phạm tội trộm cắp có thể bị chém đầu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cách đây 10 thế kỷ, nghề nông là nguồn lợi chính yếu và là ngành hoạt động quan trọng nhất của nhân dân ta. Con trâu là đầu cơ nghiệp của một gia đình nông dân,

    (ĐSPL) - Cách đây 10 thế kỷ, nghề nông là nguồn lợi chính yếu và là ngành hoạt động quan trọng nhất của nhân dân ta. Con trâu là đầu cơ nghiệp của một gia đình nông dân, điều này vẫn còn phù hợp đến ngày nay ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nếu không có trâu cày, kéo thì kinh tế của gia đình người nông dân sẽ bị ảnh hưởng. 

    Trong khuôn khổ một xã hội trọng nông, nhà làm luật triều Lý đã chăm sóc đến sự thịnh vượng của nghề chân lấm tay bùn, làm giảm bớt nỗi khổ cực của giai cấp nông dân (hằng ngày vẫn phải chịu bao nỗi đắng cay đè nén, hăm dọa từ mọi phía).

    Dưới đời Lý Nhân Tông (1072-1127), các vụ trộm trâu bò thường xảy ra rất nhiều ở các làng mạc, khiến người dân quê làm ăn không được yên ổn. Hơn nữa, nhiều kẻ chỉ chuyên môn trộm cướp trâu bò của dân gian khiến việc cày bừa phải đình trệ, có khi bốn, năm gia đình phải chung nhau một con trâu hay một con bò.

    Vốn sinh trưởng ở nơi dân dã, Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (tức Ỷ Lan Nguyên phi, vợ vua Lý Thánh Tông) thấu rõ nỗi thống khổ của dân quê trong tình trạng ấy, nên đã khuyên nhà vua ra tay trừng trị các kẻ gian làm hại dân lành.

    Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), vua Lý Nhân Tông ban hành một đạo luật về việc trộm và thịt trâu bò: "Kẻ nào ăn trộm hay thịt trâu bò phải phạt 80 trượng và tội đồ làm "Tang thất phu" nghĩa là tội đồ ở các sở nuôi tằm. Ngoài ra còn phải hoàn trả lại tiền con vật. Các người lân bang không tố cáo tội phạm cũng bị phạt 80 trượng" (Đại Việt Sử ký).

    Tuy nhiên, trong sử không ghi chép điều luật này được đầy đủ. Luật trù liệu tội đồ làm "Tang thất phu", nhưng đây chỉ là một hình phạt đối với đàn bà (đàn bà phải làm việc tại sở nuôi tằm). Do vậy, có cơ sở để cho rằng sử đã bỏ sót không ghi hình phạt đối với người đàn ông ăn trộm trâu, trộm bò.

    Theo Bộ luật Hồng Đức, tội trộm cắp tài sản là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cao trong các tội phạm xảy ra trong xã hội phong kiến. Người phạm tội trộm cắp tài sản trong một số trường hợp cụ thể bị đe dọa áp dụng hình phạt cao nhất là chém đầu.

    Trong chương “Đạo tặc” của Bộ luật Hồng Đức, tội trộm cắp tài sản được quy định sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người như các tội mưu làm phản, tội mưu đại nghịch, tội phản nước theo giặc, tội giết người, tội làm người bị thương, tội hiếp dâm.

    Như vậy, theo cách sắp xếp này tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội trộm cắp tài sản chỉ thấp hơn các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm con người.

    Trong các tội trộm cắp tài sản trên đây hành vi trộm cắp tài sản của vua có tính chất nguy hiểm cho xă hội cao nhất, người phạm các tội này bị xử chém. Đối với các tội trộm cắp tài sản khác, người phạm tội chỉ bị phạt khổ sai hoặc lưu đày.

    Tội phạm trộm cắp có thể bị lưu đày. (Ảnh minh họa)

    Nếu phạm nhân bị chém đầu thì nó có thể được thực hiện bằng đao, rìu, kiếm, dao, dây, hoặc bằng các phương tiện tinh vi hơn như một máy chém. So với các hình thức tử hình khác như lăng trì, tứ mã phanh thân... thì chém đầu là hình thức ít đau đớn nhất cho phạm nhân. Sau khi khai đao, họ có thể chết ngay sau đó chứ không phải kéo dài sự sống trong đau đớn khi bị tùng xẻo cho đến chết.

    Nếu bị lưu đày, tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của tội phạm, phạt đi đày được chia làm 3 bậc: Đày đi cận châu (châu gần) ở Nghệ An, phủ Hà Hoa, Vinh; Đày đi ngoại châu (châu ngoài) ở 2 xứ Bố Chính (tức là Quảng Bình) và đày đi viễn châu (châu xa) ở các xứ như Tân Bình (thuộc Thuận Hoá). Các hình phạt phụ đối với tội lưu đày thường là phạt đánh bằng gậy, thích chữ vào mặt, đeo xiềng và bắt làm việc nặng.

    Bị phạt khổ sai là mức phạt nhẹ nhất đối với phạm nhân trộm cắp. Cũng tùy theo mức độ, tội đồ được chia làm 3 bậc khác nhau theo mức độ phạm tội: Thứ nhất là lao công (dịch đinh) định ra cho cả đàn ông và đàn bà. Hai là quét dọn chuồng voi đối với đàn ông (tượng phương binh), làm đầy tớ bếp núc trong nhà đối với đàn bà (suy thất tì). Ba là, làm lính đồn điền với đàn ông, làm đầy tớ giã gạo đối với đàn bà.

    Ngoài ra, theo luật Gia Long quy định, chia tội đồ làm 5 bậc theo độ dài của thời gian một bậc có thêm một hình phạt đánh bằng gậy (từ 60 đến 100 gậy): 1 năm - 60 trượng; 1 năm rưỡi - 70 trượng; 2 năm - 80 trượng; 2 năm rưỡi - 90 trượng; 3 năm - 100 trượng. Đến đời vua Thái Thành thứ 18, năm bậc tội đồ đã được đổi làm khổ sai từ 1 - 5 năm.

    Mục đích của pháp luật bao giờ cũng là thiết lập sự ổn định xã hội, đảm bảo bằng ý thức chấp hành nghiêm minh từ phía người dân. Vì lẽ đó, việc thuyết phục giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu thể hiện thông qua chính sách khoan hồng nhân đạo của pháp luật nhà Lê.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pham-toi-trom-cap-co-the-bi-chem-dau-a83779.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan